Ca sĩ Cẩm Ly: Vào đẻ bé thứ hai, khóc cho bé thứ nhất
Ca sỹ Mỹ Linh: Tốt gỗ, cần đẹp cả... nước sơn
Ca sỹ Tân Nhàn: “Tôi sẽ không nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ nữa”
Ca sĩ Thu Thủy: Nếu không đổi mới sẽ bị đào thải
Ca sĩ Thu Phương: Trân trọng hơn những gì mình đang có
Là một người hát dòng nhạc quê hương nổi tiếng, chị có biết hiện tượng Phương Mỹ Chi, cô bé đang được gây chú ý ở chương trình "The Voice Kids"?
Tôi không được xem trực tiếp chương trình này nhưng nghe mọi người xôn xao, tôi có tìm video trên mạng xem lại. Đúng như nhiều người khen, cô bé có một chất giọng rất tình cảm, ngọt ngào.
Cảm xúc của chị thế nào khi nghe Phương Mỹ Chi hát một số ca khúc mang âm hưởng dân ca mà chị từng gây dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả?
Tôi nghe Phương Mỹ Chi hát ca khúc Quê em mùa nước lũ, tôi xúc động lắm. Tôi không ngờ cô bé hát hay như vậy. Nghe cô bé hát, tôi thấy hiện ra trước mắt mình những mùa lũ rợp màu vàng bông điên điển, những cánh đồng trắng xóa nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phương Mỹ Chi đã trở thành một hiện tượng gây sốt. Nếu có người hướng dẫn và rèn luyện, tôi tin rằng cô bé này sẽ còn tiến xa hơn nhiều theo năm tháng.
Xem Phương Mỹ Chi hát dòng nhạc quê hương, chị có nghĩ đây là thế hệ sẽ tiếp tục nối gót duy trì dòng nhạc khơi gợi cho con người về tình yêu đất nước, gợi nhớ tuổi thơ êm đềm trên những con sông, bến đò, cánh đồng Việt Nam?
Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng. Hiện giờ, ca sĩ đa số hát dòng nhạc thời thượng, hiếm người hát dòng nhạc quê hương. Trong một cuộc thi, có một cô bé hát dòng nhạc quê hương, làm tôi tin, tuy dòng nhạc này không được nổi đình, nổi đám, không bốc nhưng sẽ mãi mãi sống trong lòng của công chúng, tồn tại mãi trong máu của mỗi người Việt Nam.
Trên cộng đồng mạng đang quả quyết: “Nếu Phương Mỹ Chi không đoạt giải quán quân là thất bại của chương trình 'The Voice Kids'”, chị nghĩ sao?
Có lẽ là do mọi người yêu mến cô bé Phương Mỹ Chi, cũng như yêu quý dòng nhạc quê hương mà cô bé đang hát nên đã đưa ra lời quả quyết như vậy. Riêng tôi, tôi cũng đề cao Phương Mỹ Chi hát tốt nhưng trong một cuộc thi còn có những quy tắc và tiêu chí nên mình không thể nói trước điều gì. Mỗi người đều có ưu thế riêng và đặc điểm riêng, không thể nào đánh giá kiểu như nếu cô bé không đoạt giải quán quân là cô bé này dở hơn các bạn khác.
Phương Mỹ Chi đã lọt vào top 3, nếu không đoạt giải cao nhất, bé cũng đã đoạt một giải có giá trị, là giọng hát ngọt ngào của cô bé đã đi vào lòng công chúng.
Xem Phương Mỹ Chi hát, chị có mơ ước là con của mình sẽ... giống cô bé?
Tôi không mơ ước như vậy. Vợ chồng tôi không muốn hướng con mình theo nghệ thuật. Hiện tại, vợ chồng tôi muốn các con học tập tốt để sau này có một kiến thức đàng hoàng khhi bước ra đời. Sau này, con tôi lớn, đã có ý thức và định hình được năng khiếu, nếu có thiên hướng nghệ thuật, vợ chồng tôi sẽ không cấm cản.
Giả sử hiện giờ, trong các con tôi, có đứa hát tốt, được các sân khấu chào đón như một thần đồng âm nhạc, tôi cũng sẽ không khuyến khích. Tôi sợ các con sao nhãng việc học, bị thiệt thòi nhiều thứ của tuổi thơ khi lao vào dòng xoáy của tiền bạc, cát-xê.
Là một người hát dòng nhạc quê hương, có bao giờ chị cảm thấy mình bị lạc lõng giữa dòng chảy của cuộc đời nhộn nhịp, giữa dòng nhạc nhộn nhịp mang tính thời trang?
Dòng nhạc tôi hát tuy không nổi đình, nổi đám nhưng rất tình cảm, vẫn có một vị trí nhất định. Những ca từ, giai điệu, cứ đi vào lòng người nghe một cách nhẹ nhàng, rón rén nhưng sẽ thấm sâu, tồn tại mãi trong lòng khán giả mộ điệu, vang lên từ mọi ngõ xóm. Đôi khi tôi cũng chạnh lòng, vì dòng nhạc mình đang hát không được ca tụng, ồn ào như dòng nhạc trẻ nhưng tôi cảm thấy hài lòng, hạnh phúc.
Chị vừa nói đôi khi cũng chạnh lòng vì sự không ồn ào của dòng nhạc quê hương. Nếu chị không nhìn thấy “hiện tượng” Phương Mỹ Chi, có khi nào chị nghĩ, dòng nhạc quê hương sẽ dần dần bị mai một trong cuộc sống cơm áo gạo tiền nhộn nhạo?
Nếu không có Phương Mỹ Chi, một cô bé đáng tuổi con của mình hát dòng nhạc quê hương, tôi cũng sẽ không nghĩ rằng dòng nhạc này sẽ đang bị mai một. Đây là một dòng nhạc rất đặc trưng, có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi con người Việt Nam. Người Việt có nguồn cội từ nền nông nghiệp lúa nước nên đi đâu, ở đâu, đang nghèo khổ hay giàu có… khi nghe một câu ca “ầu ơ ví dầu” là có thể bồi hồi nhớ về quê hương, xứ sở, khơi gợi trong tiềm thức đang ngủ yên trong họ những hình ảnh mái nhà tranh, cánh cò, dòng sông…
Trước khi có cuộc thi The Voice Kids, tôi là một giám khảo của cuộc thiSong ca với thần tượng. Tôi rất ngạc nhiên, khi thấy đa số các thí sinh đều chọn những ca khúc thuộc dòng nhạc quê hương để hát. Điều đó cho thấy, dòng nhạc quê hương vẫn tồn tại song song với cuộc sống có nhiều biến đổi, có thể thăng trầm nhưng không mai một, mất đi.
Trên một bàn tiệc, khi người ta bội thực với thịt, cá, đột ngột có một dĩa rau dân dã, dĩ nhiên là sẽ được thực khách hồ hởi, đón nhận. Chị có nghĩ, khi đứng trên sân khấu, những tràng pháo tay của khán giả dành cho chị, chính là sự cổ vũ cho độ hiếm của dòng nhạc quê hương ít người hát, giữa dòng nhạc thời trang đang phát triển rầm rộ?
Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ những tràng pháo tay đó chính là bề nổi cảm xúc của từng con người Việt Nam khi bất chợt dâng trào niềm tự hào về nguồn cội “lúa nước” của mình. Họ phải yêu lắm những bến nước, con đò, lũy tre làng… mới có thể vỗ tay khi nghe một ca khúc mang âm hưởng dân ca như vậy.
Bình luận của bạn