Cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm vaccine Sởi-Rubella?

Khi nào nên đưa trẻ đi tiêm?

Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trẻ em cần được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine MR, mũi 1 lúc 1 tuổi và mũi nhắc lại lúc 4-6 tuổi để củng cố miễn dịch cho cơ thể. Sau khi được tiêm vaccine, trẻ sẽ có đáp ứng miễn dịch với bệnh, do đó rất khó mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.

Tuy việc tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý, không nên đưa trẻ đi tiêm khi trẻ đang sốt, mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn,…) hoặc mới khỏi bệnh. Vì lúc này, cơ thể trẻ đang rất yếu, nếu tiêm vaccine vào sẽ không có tác dụng, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Cha mẹ cần cho trẻ thời gian để hồi phục hoàn toàn rồi mới cho trẻ đi tiêm.


Cha mẹ nên hỏi cán bộ y tế về vaccine trẻ được tiêm, các phản ứng sau khi tiêm và cách xử trí

Chuẩn bị trước khi tiêm

Trước khi tiêm, bà mẹ không nên cho trẻ ăn hoặc bú quá no, cũng không nên để trẻ quá đói, tránh tình trạng hạ đường huyết. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ để không bị nhiễm trùng sau tiêm.

Để đảm bảo quá trình tiêm chủng của trẻ diễn ra an toàn, cha mẹ cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: trẻ đang sốt, đang điều trị bệnh, có tiền sử dị ứng, đặc biệt là các phản ứng mạnh ở lần tiêm chủng trước như sốt cao, co giật, tím tái, phát ban, sưng nề vùng tiêm,…

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần trao đổi với cán bộ y tế về loại vaccine bé được tiêm, những phản ứng có thể gặp và các cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau khi tiêm.

Theo dõi trẻ sau khi tiêm

Trẻ cần được các cán bộ y tế theo dõi 30 phút sau khi tiêm để phát hiện và có các biện pháp xử trí kịp thời nếu xảy ra các phản ứng bất thường.

 

Nếu trẻ bị sốt, cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ theo sự hướng dẫn của bác sỹ

Trong vòng 1-2 ngày kể từ khi tiêm chủng, bà mẹ tiếp tục theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà, phát hiện sớm các biểu hiện sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban,… Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và thường xuyên theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.

Khi các phản ứng trên kéo dài trên một ngày hoặc trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao 390C, co giật, khó thở, khóc thét, tím tái, phát ban, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cũng không được đặt bất kỳ thứ gì lên vết tiêm của trẻ mà không được sự đồng ý của bác sỹ.

Kim Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ