Căng lắm rồi!
Nghe một số học trò từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông bộc bạch sau mỗi ngày đi học về, mới thấy ở trường các em phải chịu khá nhiều áp lực và tâm hồn non nớt đó rất dễ bị tổn thương, dao động nếu thầy cô thiếu tâm lý, không biết lắng nghe hoặc đối xử thiếu công bằng. Vì sao có những học sinh khó ăn, khó học và khó tiếp xúc với cha mẹ, người lớn? Do gặp nhiều chuyện không vui ở trường học hoặc bị đối xử thiếu công tâm ở môi trường học đường, không ít học sinh tỏ ra chán học, thậm chí bị trầm cảm, về nhà thích đóng cửa ở một mình trong phòng.
Một phụ huynh có con gái học giỏi nhưng bị trầm cảm nặng tâm sự: “Giá thầy cô giáo hiểu biết về tâm lý giáo dục và công tâm thì con tôi không trở thành nạn nhân. Chỉ vì không chịu học thêm ở lớp cô giáo dạy, cháu bị trù dập và bị tổn thương về sức khỏe tâm thần kéo dài suốt nhiều năm học phổ thông…”. Theo bà Nguyên Hương (Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Tinh Hoa), qua tổng đài 108, nhiều học sinh bộc bạch nỗi niềm chán học, bị stress nặng, mất niềm tin vào gia đình, nhà trường…
Đây là vấn đề rất đáng báo động, bởi lẽ con cái chúng ta không tìm thấy niềm vui trong học tập và mang tâm lý ngán học, sợ học thì tương lai của các em sẽ ra sao? Phát biểu tại buổi tọa đàm “Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn trường học TPHCM” do Sở GD-ĐT TPHCM và Hội Khoa học tâm lý Giáo dục TPHCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng môi trường học đường hiện nay nhiều áp lực, căng thẳng dễ dẫn đến các bệnh về sức khỏe tâm thần, bộc phát những vi bạo lực.
Dẫn
chứng thực tế, bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó Trưởng phòng khám (Bệnh viện
Tâm Thần TPHCM) phải thốt lên rằng: “Sức khỏe tâm thần của học sinh căng
lắm rồi”. Bác sĩ Minh cảnh báo: “Phòng khám của chúng tôi ngày càng quá
tải vì số lượng trẻ em, học sinh đến khám các bệnh liên quan đến học
đường tăng nhanh. Cụ thể, năm 2011 chỉ có 25.000 lượt bệnh nhân, năm
2012: 28.000 bệnh nhân và năm 2013 tăng lên 32.000 bệnh nhân”. Điều
khiến bác sĩ Minh trăn trở là hầu hết bệnh nhân ở lứa tuổi học trò này
chưa ghé vào phòng tư vấn học đường trước khi đến bệnh viện. Và giá như
các cháu tìm đến mạng lưới này sớm hơn và được tư vấn để trị liệu, phát
hiện sớm thì không vướng vào các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nhiều học
sinh khi phát hiện ra bệnh thì đã muộn, sức khỏe sa sút, ảnh hưởng đến
học tập, sinh hoạt. Chính vì thế, tiêu chí thân thiện và bình thường hóa
phòng tư vấn học đường cần phải đặt ra để học sinh tìm đến khi cần hỗ
trợ về đời sống tâm lý.
Hướng tới chuyên nghiệp hóa?
Ghi nhận những năm gần đây, ngành GD-ĐT TPHCM đã quan tâm mở rộng mạng lưới tư vấn học đường, tăng biên chế giáo viên chuyên ngành tâm lý cho các trường. Thế nhưng đến nay, toàn TPHCM mới có 120 giáo viên chuyên trách (trên tổng số hơn 1.000 trường học), còn lại là nghiệp dư, kiêm nhiệm. Đó là chưa kể, nhiều trường còn chưa có phòng tư vấn học đường đúng nghĩa, phải mượn tạm phòng giám thị, phòng chuyên môn, Đảng ủy… Một lực cản khác là nhiều hiệu trưởng chưa coi trọng công tác tư vấn học đường và bố trí giáo viên chuyên trách vào các công việc trái chuyên môn như làm giám thị, khảo bài… nên không phát huy được tâm huyết, sở trường.
Một số chuyên gia giáo dục cũng thừa nhận tâm lý học sinh hiện nay phát triển phức tạp, các em dễ bị dao động, lung lay trước các giá trị sống, biến động từ gia đình đến xã hội. Và có không ít vấn đề phức tạp vượt quá khả năng tham vấn, giải quyết của tư vấn viên.
Chính vì thế, chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn học đường, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên viên tư vấn ở trường học là một yêu cầu cấp bách. “Trước mắt phải xem tư vấn như môn học khác và thành lập tổ tư vấn để ban giám hiệu, giáo viên cùng tham gia. Bình thường hóa phòng tư vấn sẽ giải tỏa tâm lý chung là học sinh có “vấn đề” mới cần tư vấn, tham vấn”, đó là nhận định của ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11.
Đưa ra các giải pháp, TS Ngô Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) nói: “Việc đào tạo ở các trường đại học mang tính lý thuyết, trong khi đó đời sống tâm lý học đường phát triển phức tạp, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa của đội ngũ tham vấn. Nếu không được bồi dưỡng, tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng tham vấn, bổ sung kỹ năng sống, tâm lý gia đình, pháp luật... thì họ không thể hỗ trợ, đưa ra các giải pháp trị liệu tâm lý phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Hướng tới sự chuyên nghiệp hóa công tác này, yêu cầu đội ngũ chuyên trách phải có chứng chỉ chuyên môn về tư vấn học đường”.
Tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà giáo dục, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đồng tình với giải pháp phải chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn học đường, hướng tới việc xây dựng các phòng tư vấn thân thiện, gần gũi, an toàn và riêng tư. Cũng theo bà Thanh, tư vấn học đường không chỉ dành riêng cho học sinh, mà cần tư vấn cho cả thầy cô giáo để họ biết lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với học sinh. Để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động này, ngành GD-ĐT TP sẽ đầu tư thêm về nhân sự, chuyên môn lẫn kinh phí, cơ sở vật chất.
Thật
vậy, một khi phòng tư vấn học đường được bình thường hóa thì học sinh
sẽ tìm đến nhiều hơn và chính “giá đỡ” này sẽ góp phần làm giảm bớt số
lượng học sinh đến khám các bệnh về sức khỏe tâm thần như nêu trên.
Bình luận của bạn