Chán "yêu" vì hẹp niệu đạo

Ngoài tiểu khó, dòng tiểu nhỏ, hẹp niệu đạo còn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tình dục

"Thủ phạm" ảnh hưởng đến đời sống tình dục

Nguy cơ rối loạn tâm lý tình dục vì dùng tên giả trên mạng xã hội

Suy giảm tình dục: Rắc rối sau tuổi 40

Nữ giới & Những rối loạn tình dục thường gặp

Rối loạn chức năng tình dục: Không dễ điều trị

PGS.TS Lê Linh Phương - Phân khoa Niệu Thận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, niệu đạo là một phần quan trọng của đường tiết niệu, đảm nhận nhiệm vụ chính là đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể ở cả 2 giới. Riêng với nam giới, ngoài đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể, niệu đạo có vai trò rất quan trọng trong việc xuất tinh từ đường sinh dục.

Nếu bạn phải đi tiểu thường xuyên, thời gian đi tiểu lâu hơn 30 giây đến 1 phút, cảm giác còn muốn đi tiểu nữa, kích thích rặn nhiều trong lúc tiểu, dòng tiểu nhỏ, bạn cần phải đi khám để biết mình có bị hẹp niệu đạo hay không.

Hẹp niệu đạo có diễn biến phức tạp, thường được phát hiện muộn nên việc điều trị thường khó khăn và nhiều khi không đem lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, nam giới cần tìm hiểu cũng như nắm rõ những nguyên nhân liên quan đến bệnh này để có hướng điều trị kịp thời.

Hẹp niệu đạo ảnh hưởng đến chất lượng “chuyện ấy”

Theo các chuyên gia, niệu đạo được chia ra 2 phần là niệu đạo trước và niệu đạo sau. Niệu đạo trước có chiều dài 12 - 15cm, được bao bọc bởi vật xốp, gồm phần cố định hay còn gọi là niệu đạo hành và phần di động gọi là niệu đạo dương vật. Niệu đạo sau có chiều dài 4,5 - 5cm, gồm niệu đạo màng đi qua cân đáy chậu và niệu đạo tiền liệt tuyến. Đường kính niệu đạo trung bình 4 - 6mm, khi nong giãn độ 8 - 10mm, niệu đạo không phải là một ống tròn đều xuyên suốt mà có những chỗ hẹp và chỗ rộng.

Hệ tiết niệu của nam giới

Ở nam giới, hẹp niệu đạo có thể xảy ra từ cổ bàng quang đến đầu dương vật. Nguyên nhân phổ biến là:

- Do chấn thương niệu đạo kết hợp với gãy xương chậu, nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc tổn thương do can thiệp qua niệu đạo. Khi đó, ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo của bệnh nhân sẽ có một sẹo xơ gây cản trở dòng nước tiểu thoát ra ngoài.

- Do viêm nhiễm: Nam giới bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, lâu ngày dẫn đến sẹo xơ, chít hẹp niệu đạo.

- Lao thận, lao bàng quang làm niệu đạo tổn thương. Lao có thể làm thận mất chức năng hoạt động, thanh lọc thậm chí trở thành túi mủ. Bàng quang méo mó thu nhỏ lại, các ống dẫn trở nên dày, cứng, hẹp và tắc.

- Các bệnh lý liên quan đến bao quy đầu: Hẹp, nghẹt, dài bao quy đầu nếu không điều trị dứt điểm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của dương vật mà còn ảnh hưởng đến niệu đạo và tuyến tiền liệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hẹp niệu đạo.

"Hẹp bao quy đầu" ảnh hưởng đến niệu đạo và tuyến tiền liệt

- Hẹp niệu đạo còn xảy ra do di chứng của chấn thương, thủ thuật lấy sỏi niệu đạo, mổ cắt u xơ tiền liệt tuyến, làm tổn thương niêm mạc hoặc để lại sẹo trong đường dẫn.

Niệu đạo giống như một "vòi nước". Khi một đoạn nào đó của ống bị hẹp, dù ngắn hay dài, dòng chảy sẽ bị giảm đáng kể. Niệu đạo hẹp nhiều làm giảm lưu lượng dòng nước tiểu, bệnh nhân sẽ đi tiểu thường xuyên, tiểu khó, dòng tiểu nhỏ. Tình trạng này có thể gây nhiễm khuẩn niệu, viêm tuyến tiền liệt và viêm mào tinh hoàn. Nếu tắc nghẽn trong thời gian dài có thể gây suy thận. Bệnh cũng ảnh hưởng chất lượng hoạt động tình dục, đặc biệt ở nam giới, khiến quý ông không còn mặn mà "chuyện ấy". Đây là một trong những nguyên nhân gây liệt dương, xuất tinh sớm, thậm chí vô sinh.

Dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác

Hẹp niệu đạo xảy ra làm người bệnh khó tiểu, bí tức, phải gồng sức rặn. Tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia, đến một lúc nào đó chỉ còn nhỏ giọt, phải mất 30 giây đến một phút tiểu rặn mới có thể làm giảm cơn ách tức bàng quang. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn đến bội nhiễm làm chít hẹp hoàn toàn niệu đạo, trướng bàng quang, vật vã, cần tiểu ngay để giải quyết đau tức.

Đặc biệt, khi mới mắc người bệnh thường khó tiểu, bí tiểu nên dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác như: Hẹp cổ bàng quang do viêm xơ cổ bàng quang gặp trong trường hợp sau mổ u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh có triệu chứng khó đi tiểu, khi đặt sonde tiểu, ống thông dừng lại trước cổ bàng quang, chụp niệu đạo có cản quang, trên hình ảnh X-quang không thấy thuốc cản quang vào được bàng quang; U xơ tiền liệt tuyến: Người bệnh tiểu khó, tiểu rắt, đang tiểu ngắt giữa dòng, dòng tiểu giảm đột ngột, khi khám thăm trực tràng sờ được khối u.

Xử trí hẹp niệu đạo

Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí chỗ hẹp mà có cách xử trí khác nhau. Dựa vào kết quả xét nghiệm, trường hợp hẹp niệu đạo có viêm nhiễm tiến triển thành áp-xe, rò nước tiểu và bí đái cấp tính, phải mở thông bàng quang dẫn lưu nước tiểu ra da, điều trị hết viêm nhiễm bằng kháng sinh đồ hay kháng sinh liều cao, toàn thân như augmentin, ceftriaxon, tobramycin. Trường hợp do lao phải điều trị đặc hiệu.

Điều trị căn nguyên: nong niệu đạo, đây là phương pháp vẫn được áp dụng để nong niệu đạo và đặt ống sonde nong que nhỏ được dùng để dẫn đường qua chỗ hẹp chít rồi tiến hành nong rộng. Hiện nay có nhiều phương pháp nong bằng ống sonde có bóng chèn tại chỗ hẹp niệu đạo.

Phẫu thuật điều trị hẹp niệu đạo nhằm tái tạo niệu đạo. Trải qua năm tháng, các phương pháp phẫu thuật không ngừng được cải tiến, giúp khả năng tạo hình ống niệu đạo trở về đúng sinh lý ban đầu, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Phòng ngừa hẹp niệu đạo như thế nào?

Tình dục an toàn giúp phòng ngừa hẹp niệu đạo ở cả 2 giới

Để phòng ngừa căn bệnh này, GS.TS Linh Phương cho rằng điều quan trọng nhất là nên quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh cơ thể để tránh viêm nhiễm đường tiết niệu, phòng tránh những tổn thương xương chậu. Nếu bệnh nhân tự thông tiểu thì nên dùng chất bôi trơn và sử dụng ống thông nhỏ nhất để tránh làm tổn thương niệu đạo. Hẹp niệu đạo có thể biến chứng nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia. Khi đó, việc điều trị bệnh kịp thời và đầy đủ với kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này.

Không điều trị sớm hẹp niệu đạo có nguy hiểm?

Hẹp niệu đạo không điều trị sớm sẽ gây ứ đọng nước tiểu, nước tiểu không lối thoát sẽ kéo theo nhiễm khuẩn gây ngứa, rát. Nước tiểu thừa ứ đọng tạo thành áp xe hình tổ ong, tạo ra túi thừa bàng quang, lâu dài gây biến chứng suy thận, giảm ham muốn tình dục, mất dần khả năng bài tiết lượng nước dư thừa và chất độc trong cơ thể (những người điều trị quá muộn có thể phải dùng đến ống hỗ trợ tiểu cả đời). Từ đó, chức năng sản xuất một số hormone của các cơ quan đường tiểu cũng giảm đi.
Minh Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sung mãn