Bụi mịn PM2.5 và nỗi lo làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Ung thư vú là một trong những bệnh cần thời gian dài để tiến triển

Dấu hiệu ở tai có thể cảnh báo bệnh ung thu vú

Phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú từ năm 40 tuổi, thay vì 50

Chế độ ăn Địa Trung Hải kết hợp dầu olive giảm nguy cơ ung thư vú

"Tỷ lệ phụ nữ chủ động khám sàng lọc ung thư vú còn rất thấp"

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ), người sinh sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí dạng bụi mịn cao có tỉ lệ mắc bệnh Ung thư vú cao hơn. Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất cho tới nay xem xét mối quan hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời và bệnh Ung thư vú.

Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy tỉ lệ mắc ung thư vú cao nhất ở những phụ nữ sinh sống ở khu vực có nồng độ cao các hạt bụi mịn PM2.5. Đây là các hạt có kích thước từ 2.5 micron trở xuống, có thể xâm nhập sâu vào phổi. Các hạt bụi mịn này có thể tới từ nhiều nguồn, ví dụ như khí thải xe cộ, khí thải công nghiệp (qua quá trình đốt cháy than, dầu, gỗ)…

Thường xuyên phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ mắc Ung thư vú

Thường xuyên phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

“Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ mắc ung thư vú tăng 8% với những người sống tại khu vực có mức độ phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 cao hơn. Dù đây được đánh giá là số liệu khá khiêm tốn, nhưng phát hiện này vẫn rất có ý nghĩa vì ô nhiễm không khí là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng tới hầu như tất cả mọi người”, TS. Alexandra White, tác giả nghiên cứu chính cho biết. “Phát hiện mới này cũng bổ sung thêm các bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh Ung thư vú”.

Các nhà khoa học Mỹ đã tổng hợp thông tin từ hơn 500.000 người, trong đó những người phụ nữ tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 62. Trong khoảng 20 năm tiếp theo, các nhà khoa học xác định có 15.870 người được chẩn đoán bị ung thư vú.

 

Theo ước tính về nồng độ hạt mịn PM2.5 trung bình hàng năm và nơi cư trú của những người tham gia, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tới mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm trước khi người dân đăng ký tham gia nghiên cứu. Nguyên nhân là bởi một số bệnh ung thư cần thời gian dài để phát triển. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trước đây đều không chú ý tới mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong quá khứ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể mất nhiều năm để ung thư vú phát triển. Chưa kể, mức độ ô nhiễm không khí trước đây có xu hướng cao hơn. Do đó, mức độ phơi nhiễm trong quá khứ dường như có mối liên quan cao hơn tới khả năng phát triển khối u.

Để xem xét mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí và ung thư vú thay đổi thế nào tùy theo loại khối u, các nhà khoa học cũng đã đánh giá riêng biệt ung thư vú ER dương tính và âm tính. Theo đó, họ phát hiện ra ô nhiễm các hạt bụi mịn PM2.5 có liên quan đến tỉ lệ mắc ung thư vú ER dương tính (ung thư vú có các tế bào ung thư đáp ứng với estrogen) cao hơn. Nói cách khác, ô nhiễm hạt bụi mịn PM2.5 có thể ảnh hưởng đến ung thư vú thông qua con đường sinh học cơ bản là gây rối loạn nội tiết trong cơ thể.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hiểu sự khác biệt giữa tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu vực khác nhau, cũng như các dạng bụi mịn PM2.5 khác nhau mà phụ nữ tiếp xúc có ảnh hưởng thế nào tới nguy cơ tiến triển bệnh ung thư vú.

Vi Bùi (Theo NIH)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư