Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân khi ăn cá ngừ

Các món ăn được chế biến từ cá ngừ thường rất đa dạng và được nhiều người ưa chuộng

Theo Tiến sĩ Chris Vogliano, chuyên gia dinh dưỡng đồng thời là Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục Food and Planet, thịt cá ngừ có chứa nhiều protein, khoáng chất và các vitamin. Ngoài ra cá ngừ chỉ chứa một lượng nhỏ chất béo nên đồng nghĩa với việc chúng cũng chứa ít acid béo Omega-3 hơn một số loại hải sản khác.

Tiến sĩ Vogliano cũng chia sẻ, về cơ bản, cá ngừ tươi và cá ngừ đóng hộp có giá trị dinh dưỡng tương đương nhau. Mặc dù quá trình chế biến có thể làm giảm hàm lượng một số chất nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tổng thể của loại thực phẩm này.

Tại Mỹ, trung bình mỗi người dân sẽ ăn khoảng 5,5kg cá ngừ mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ loại hải sản nào khác trừ tôm và cá hồi. Đây cũng chính là lý do khiến các chuyên gia của nước này phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân có chứa trong cá ngừ. Thủy ngân xâm nhập vào chuỗi thức ăn biển chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp của con người, tích tụ dần trong các loài cá lớn như cá mập, cá kiếm và cá ngừ gây ra nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Số ca ngộ độc thuỷ ngân tại Mỹ tuy rất hiếm nhưng các chuyên gia nước này vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động âm thầm của thủy ngân lên não bộ, đặc biệt là ở những vùng ven biển và những nơi tiêu thụ hải sản thường xuyên.

Cả cá ngừ tươi và cá ngừ đóng hộp đều được cảnh báo có nguy cơ gây nhiễm độc thuỷ ngân cho người dùng

Cả cá ngừ tươi và cá ngừ đóng hộp đều được cảnh báo có nguy cơ gây nhiễm độc thuỷ ngân cho người dùng

Trên thực tế hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ rất đa dạng, tùy thuộc vào từng loài. Những loại cá ngừ nhỏ như cá ngừ vằn thường chứa lượng thủy ngân thấp. Ngược lại, các loại cá ngừ lớn hơn như cá ngừ mắt to và cá ngừ vây xanh sẽ chứa hàm lượng thủy ngân cao. Vì thế, người tiêu dùng cần cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn.

Chưa kể, thuỷ ngân đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm trẻ em và phụ nữ đang mang thai nên đây cũng là lý do chính khiến Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phải công bố bản Hướng dẫn tiêu thụ hải sản. Trong đó, FDA khuyến nghị trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ đang mang thai không nên ăn quá 12 ounce (khoảng 300g) đối với cá ngừ đóng hộp hay 1 ounce (khoảng 100g) đối với cá ngừ tươi mỗi tuần.

FDA hiện chưa đặt ra giới hạn tiêu thụ cá ngừ cho nhóm người còn lại, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng, đặc biệt là đối với những người ăn cá ngừ thường xuyên. Mặc dù thuỷ ngân có thể bị đào thải sau một khoảng thời gian tích tụ trong cơ thể nhưng chúng vẫn gây ra những tác hại nhất định đối với sức khoẻ.

Giáo sư Tracey J. Woodruff thuộc Đại học California (Mỹ) cũng đưa ra cảnh báo hải sản có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với não bộ, nhưng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân vẫn luôn còn đó. Tuy nhiên, đối với những người lớn khỏe mạnh, việc tiêu thụ hải sản ở mức độ vừa phải - đặc biệt là cá ngừ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ.

 

Theo quy ước, đơn vị đo nồng độ thuỷ ngân là ppm (parts per million). 1ppm = 1/kg. Trung bình dư lượng thuỷ ngân có trong cá biển thường giao động trong khoảng 0,1ppm đến 0,3ppm. Tại Mỹ và Úc, nồng độ thuỷ ngân trong thực phẩm được cho phép là 1ppm. Còn tại Việt Nam, con số này chỉ dừng lại ở mức 0,5ppm. Mặc dù dư lượng thuỷ ngân tự nhiên trong cá ngừ là thấp so với mức được cho phép nhưng nếu ăn quá nhiều, chất độc sẽ được tích luỹ trong cơ thể và không kịp đào thải. Vì vậy, đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai cần hạn chế ăn cá ngừ, người trưởng thành chỉ nên ăn từ 85–140gr mỗi lần và không quá 2 lần mỗi tuần để đảm bảo an toàn sức khoẻ.

 
Hà Chi (Theo New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng