Chọn áo chống nắng sao cho an toàn?

Liệu mặc nhiều lớp áo chống nắng có giúp bảo vệ làn da hiệu quả? - Ảnh: VnExpress

Mặc quần áo chống nắng là đủ, không cần kem chống nắng toàn thân?

Nổi mụn khi dùng kem chống nắng: Vì đâu nên nỗi?

Đừng quên chống nắng cho những vị trí này trên cơ thể

Viên uống chống nắng có thực sự là “bảo bối” làm đẹp?

Chỉ số bảo vệ của áo chống nắng

Trên thị trường, các sản phẩm áo chống nắng thường được quảng cáo đi kèm chỉ số UPF (Ultraviolet Protective Factor) giúp bảo vệ làn da khỏi tia cực tím (UV). Tương tự SPF trong kem chống nắng, UPF được sử dụng cho các sản phẩm may mặc (quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay chống nắng) nhằm đánh giá khả năng ngăn chặn các tia UV.

Chỉ số UPF 50 có nghĩa là chỉ 1/50 (khoảng 2%) bức xạ cực tím từ mặt trời có thể xuyên qua vải đến da. Do đó, chỉ số UPF càng cao, làn da bạn càng được bảo vệ tốt. Tại Mỹ, Tổ chức Ung thư da khuyến nghị sử dụng trang phục có chỉ số UPF từ 30 trở lên.

Chỉ số UPF phản ánh khả năng bảo vệ làn da của chất liệu vải trước cả tia UVB và UVA. Một số nhãn hàng tạo ra các chất liệu vải được nhuộm với các hóa chất có tác dụng lọc/hấp thụ tia UVA và UVB. Vì một phần nhỏ tia UV vẫn có thể xuyên qua áo chống nắng, bạn vẫn cần thoa kem chống nắng khi ra đường trong ngày nắng nóng, đặc biệt vào thời điểm ban trưa.

Các yếu tố quyết định chỉ số UPF của áo chống nắng

Sản phẩm chống nắng hiệu quả nên làm từ chất liệu như polyester

Tất cả các loại vải đều có tác dụng chống nắng vật lý, tức là ngăn tình trạng bỏng da, cháy nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, để tìm ra sản phẩm có khả năng ngăn chặn các tia UV, hãy xem xét một số yếu tố sau:

Màu vải

Màu vải tối sẽ giúp chống nắng hiệu quả hơn vải sáng màu, tuy nhiên, chúng cũng hấp thụ nhiệt tốt hơn và dễ gây cảm giác nóng bức khi mặc.

Chất liệu vải

Cotton, tơ nhân tạo, vải lanh là chất liệu có khả năng ngăn chặn tia UV kém nếu không được xử lý thêm bằng hóa chất lọc tia UV. Trái lại, vải tổng hợp như polyester, nylon, len có thể bảo vệ bạn hiệu quả hơn so với các chất liệu vải thông thường. 

Mật độ dệt

Nếu ánh nắng có thể xuyên qua quần áo của bạn một cách dễ dàng, tác dụng chống tia UV của loại vải đó chắc chắn không cao dù bạn mặc đến 2-3 lớp. Vải dệt mật độ càng cao sẽ có khả năng chống nắng hiệu quả hơn. Độ co dãn quá lớn cũng làm giảm chức năng chống nắng của vải.

Vải denim (vải bò) và polyester là 2 chất liệu có mật độ dệt cao, thường được sử dụng làm sản phẩm chống nắng hiệu quả.

Chọn chiếc áo chống nắng phù hợp, an toàn

Sản phẩm áo chống nắng được người Việt ưa chuộng vẫn luôn là các dáng áo khoác dài tay, có kéo khóa để mặc bên ngoài. Khi đi biển, bạn có thể chọn các sản phẩm đồ bơi làm từ chất liệu có khả năng chống nắng.

Áo chống nắng dành cho nam giới thường được làm bằng chất liệu dày và chắc chắn, kiểu dáng gọn gàng. Trong khi đó, để bảo vệ làn da tối ưu, các chị em có vô vàn lựa chọn sản phẩm chống nắng: Áo chống nắng toàn thân, váy chống nắng…

Cô gái kẹt tay vào bánh xe vì áo chống nắng - Ảnh: TikTok

Đây cũng là nguyên nhân chị em gặp không ít tai nạn do váy chống nắng quấn vào bánh xe khi di chuyển. Mới đây, hình ảnh cánh tay 1 cô gái bị áo chống nắng kéo theo vào bánh xe là lời cảnh báo cho chị em lựa chọn trang phục khi đi xe máy.

Một số sản phẩm chống nắng được cố định rất lỏng lẻo bằng phần băng dính (khóa nhám), khiến váy chống nắng có thể rơi khi chị em đang di chuyển, gây nguy hiểm cho cả những người tham gia giao thông xung quanh.

Để đảm bảo an toàn khi mặc áo chống nắng, chị em cần chọn chiếc áo có độ dài vừa vặn, thiết kế gọn gàng và có khóa kéo chắc chắn. Áo chống nắng nên có mũ để che chắn cả đầu, vai gáy. Phần vải che bàn tay cũng cần có cơ chế cố định để không bị xê dịch, không gây vướng víu khi tham gia giao thông. Áo chống nắng gọn gàng và có chỉ số UPF tốt sẽ giúp chị em bảo vệ làn da và tránh khỏi nhiều tình huống "dở khóc dở cười" trong ngày Hè.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp