Diễn viên Trung Dũng: Sức khỏe là trên hết
Diễn viên Ngọc Lan: “Tuổi càng lớn sự chín chắn càng đầy”
Diễn viên Y Phụng: “Biết đủ là đủ"
Diễn viên Y Phụng: “Biết đủ là đủ"
Kết thúc chuyến Nam tiến, anh và đoàn kịch thu được kết quả gì?
Chúng tôi đã làm mọi thứ để chuyến lưu diễn thành công nhằm kỷ niệm 30 năm Nhà hát Tuổi Trẻ, 25 năm ngày mất tác giả Lưu Quang Vũ. Cả ê kíp chuẩn bị rất kỹ ở tất cả hạng mục từ chất lượng, hình ảnh, thương hiệu và kinh tế. Nhà hát Tuổi Trẻ lâu nay đã không dùng dàn sao để "dụ dỗ" khán giả. Chúng tôi không muốn lệ thuộc và tạo cho khán giả suy nghĩ: phải có sao thì mới tạo thành đêm diễn. Chúng tôi muốn có một đội hình mà cầu thủ nào cũng giỏi, không thể vì một “sao” lăn kềnh ra chấn thương mà cả đội phải nghỉ thi đấu.
Bản thân tôi nghiên cứu rất kỹ thị trường TP HCM. Tám năm không có cơ hội giờ tôi trở lại nơi này như trở lại với một tình yêu.
Vì chuyến lưu diễn này mà anh phải bỏ đóng Táo Giao Thông?
Năm nay, tôi không bỏ Táo Quân nhưng giữ lời hứa - không làm Táo Giao Thông nữa. Tôi xuất hiện trong Gặp nhau cuối năm với vai trò một lính canh cổng thiên đình.
Anh nghĩ thế nào về sức ép đặt lên vai diễn viên khác khi họ phải thay anh đóng Táo Giao Thông?
Theo định luật bảo toàn năng lượng, Táo Giao Thông không tự sinh ra, không tự mất đi, chỉ chuyển hóa từ người này sang người khác. Hơn ai hết tôi hiểu rằng, tôi đóng nữa sẽ tạo sự chán ghét trong khán giả. Cách thể hiện của tôi trên nền chất liệu về tình hình giao thông năm 2013 sẽ không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên cũng có thể trên chất liệu ấy, một nghệ sĩ mới thổi một luồng sinh khí mới vào lại tạo sự thành công. Từng có người hét lên rằng: “Sao các anh không thay Táo, từng này người chán quá rồi”, thì đây, chúng tôi thử thay một người để tạo sự mới mẻ. Cũng như người vợ đầu gối tay ấp mấy chục năm với ta lúc nào cũng tóc dài kẹp sau đầu đơn điệu, một hôm tự nhiên về nhà với mái tóc ngắn bồng bềnh - thế là đã tạo cảm hứng cho ta rồi.
Nếu có áp lực cho người đóng Táo Giao thông thay tôi, thì tôi tin đạo diễn đã nhìn thấy để có những điều chỉnh kịp thời.
Sự tính toán chặt chẽ của một lãnh đạo nhà hát trong việc tìm cách thu hút khán giả dường như đã lấn át chất lãng mạn của anh ngày trẻ khi mới bước chân lên sân khấu. Anh nghĩ gì về sự thay đổi của mình?
Tại sao lại cứ đem những gì thời trai trẻ để khoác vào một lão trung niên? Mỗi thời có một sứ mệnh lịch sử riêng, chúng ta cần phát triển đi lên. Hình ảnh của tôi vẫn đẹp đẽ trong lúc này vì vẫn có ích cho xã hội. Vợ tôi kém tôi một tuổi, tức là đã hơn 50 tuổi, chẳng nhẽ tôi cứ mong ước cô ấy mãi như thời son trẻ, mới đến với tôi một cách trong sáng, chưa biết gì? Tôi đang có cuộc sống viên mãn, thì phải trân trọng giây phút này chứ không phải nhìn vượt qua vai cô ấy để nghĩ về ngày xưa.
Cách đây chưa lâu, anh có những dòng tâm sự về vợ tràn đầy cảm xúc trên Facebook. Từ đâu anh lại muốn trải lòng như vậy?
Có những lúc vợ chồng gặp nhau không nói được nên lời, viết ra dễ hơn, đó cũng chính là mặt mạnh của Facebook. Tôi và Huyền cả yêu cả lấy là 35 năm, chúng tôi vừa kỷ niệm 28 năm ngày cưới. Ở nhà tôi vẫn thường xuyên thể hiện tình cảm với vợ.
Vợ chồng anh cùng nhà hát, đi đâu cũng có nhau. Làm sao để tránh được cảm giác nhàm chán?
Vợ chồng tôi đi cùng nhau 24 tiếng mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Tôi không biết trả lời thế nào về câu hỏi nhàm chán, chắc phải sống thử trong hoàn cảnh của tôi thì mới hiểu (cười).
Tết năm nay, vợ chồng anh dự định làm gì?
Tôi không thích Tết. Tết gắn liền với tuổi thơ buồn bã của tôi. Tôi mặc cảm với những ngày vui. Tôi rất buồn khi đến chỗ đông người, tôi không hòa nhập được. Có lẽ đấy là một loại biểu hiện của chứng tự kỷ. Khi mọi người buồn, tôi đến mua vui, nhưng trong một cuộc vui tôi lại có cảm giác tôi là hạt nhân cản trở họ.
Trước đây tôi còn có đôi chút cảm giác ở mùi pháo, không khí lãng đãng. Bây giờ chịu trách nhiệm trong nhà hát, trong gia đình, Tết với tôi thành một gánh nặng vì phải lo cơm áo gạo tiền. Với tư cách Phó giám đốc, tôi phải cùng Giám đốc lo tiền tết cho hơn 200 người đến tái mét mặt. Tết lại không được làm việc mà tôi cứ làm việc thì khỏe, dừng làm thì ốm. Tôi sinh năm Tân Sửu, số trâu nên khổ. Tết phải đi thăm hỏi, tôi ngại lắm. Tôi chỉ thích tắt điện thoại, khóa cửa đi ngủ. Năm nay tôi dự định cùng vợ đi du lịch. Nhưng tôi là trưởng họ nên vẫn phải làm cơm 30, mồng 1 đi chào hỏi họ hàng, đi lễ chùa, mồng 2 mới đi được.
Con cái thành đạt, gia đình hạnh phúc, bản thân được thăng quan tiến chức - anh cảm thấy thế nào về những thành quả của mình?
Con gái tôi gần 30 tuổi, đang làm rất tốt công việc trợ lý giám đốc, số nước đi nhiều gấp đôi bố cả một đời. Lương khởi điểm của cháu gấp 10 lần lương của bố trong 30 năm. Con trai vừa tốt nghiệp RMIT miền Nam bị tôi kéo ra Hà Nội, slogan của cháu hiện tại: “Kiếm tiền là phụ, đoàn tụ là chính”.
Tôi bằng lòng với những gì mình có và cả những gì mình mất. Tôi không giàu, hai vợ chồng cùng đoàn kịch, không phải ca sĩ nhưng trời thương hỗ trợ sống đủ, có nhà, có ôtô thậm chí có lúc có trang trại nhưng sau bán để cho con đi du học ở Mỹ. Đến giờ hai điều tôi tâm đắc nhất là thái độ tự bằng lòng và vợ con không tạo sức ép cho mình. Tôi rất thương những người đàn ông bị vợ đay nghiến không giàu bằng người khác. Tôi ở căn nhà tập thể sau Nhà hát Lớn 35 năm nay. Vợ tôi chưa bao giờ trách mà còn động viên chồng vì được ở nơi trung tâm thành phố.
Cảm ơn anh.
Bình luận của bạn