Chúc Xuân trên non cao

Tượng Phật được xây trên đỉnh Sơn Trà nhằm cầu mong quốc thái dân an

Công nghệ vaccine mRNA giành giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture

Ai ơi xin đừng “nổ”!

Hạnh phúc của tuổi già… là được thảnh thơi cập bến!

Tình người trong đại dịch

Hình như người Việt mình luôn có niềm tin rằng càng lên cao lời cầu ước sẽ càng được thần linh và ông bà tổ tiên nghe thấy, nhất là vào dịp lễ tết. Còn trong hầu hết các nền văn minh dựa trên tín ngưỡng, Phật hay Chúa, đều đặt sự bất tử nằm trên những đỉnh núi cao nhất: đỉnh Olympus đối với người Hy Lạp, đỉnh Hy Mã Lạp Sơn với người Tây Tạng, đỉnh Sinai đối với người Do Thái, và đỉnh Phú Sĩ đối với người Nhật Bản.

Tôi cũng có một đỉnh núi như thế của riêng mình: đỉnh núi Sơn Trà - Đà Nẵng. Khi còn thơ ấu, tôi ước mơ được lên đỉnh núi Sơn Trà vào ngày mồng một Tết để cầu chúc sức khỏe - chỉ sức khỏe thôi - cho cha mẹ và anh chị em và tất cả chúng sinh, nhưng không bao giờ thực hiện được giấc mơ. Đơn giản vì đó là thời chiến, lính Mỹ đã chiếm đóng ngọn núi và đặt ở đó một trạm rada do thám.

Chúc nhà nhà, người người được sống tốt

May mắn, khi về già, tôi đã đi tìm mùa Xuân trên đỉnh non cao, trên đỉnh núi tuyết nổi tiếng thế giới: đỉnh Phú Sĩ, Nhật Bản. Sáng mồng một tết năm 2019 - cách đại dịch covid một năm - tôi đã tắm Phật trong cái lạnh dưới không (-1 độ C) và gửi đi biết bao lời chúc tết đẹp nhất. Đồng thời cũng nhận lại bao nhiêu lời chúc tuyệt vời. Theo thứ tự truyền thống là: Phước, Lộc, Thọ. May mắn, giàu sang và sống lâu. Nhưng ở tuổi thất thập, bạn muốn gì hơn ngoài sức khỏe? Chính vì vậy lời chúc thọ được chào đón nhất trong tôi.

a0002532_parts_5bb43b904dd24

Người Nhật coi đỉnh núi Phú Sĩ là biểu tượng cho sự bất tử, là chữ thọ với tất cả mọi người (Ảnh Live Japan)

Sự trong suốt của không khí trên núi cao khiến những lời cầu chúc như xuyên thấu đến tận nơi linh thiêng nhất, nghe thấy trong mơ nhịp đập giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa cao vời thánh thiện và ước mơ trần thế. Tôi chụp ngay một hình selfie và gửi một người bạn ở Bắc Calorina, một cựu sinh viên du học tại Nhật những năm 70 của thế kỷ trước, và dùng iphone viết ngay lên ảnh lời chúc đầu xuân đơn giản bằng tiếng Anh: Happy Tet. Không có gì đủ nghĩa hơn khi bạn gửi đi lời chúc “Hạnh phúc”. Hạnh phúc bao hàm không chỉ sống lâu, giàu có và may mắn, mà còn là “sống tốt”. Và chú thích thêm: Tuyết Phú Sĩ nhớ “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro”. Anh bạn tôi chưa từng đến Tanzania nơi có đỉnh Kilimanjaro, nhưng anh đã mê truyện ngắn “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The snows of Kilimanjaro) của E. Hemingway từ những ngày sinh viên đầy lãng mạn ở Nhật.

Chúc cho Tâm trong suốt

Tuyết tượng trưng cho một cái gì trong suốt nhất, sạch sẽ nhất, minh bạch nhất. Năm ấy chúng tôi đưa các cháu nhỏ đến Phú Sĩ vì chúng mơ một lần thấy tuyết… Ở Việt Nam chúng ta gần đây mới bắt đầu có tuyết ở Sapa, nhưng rất hiếm. Độ dày tuyết trên mặt đất cũng chưa đủ nên màu trắng chưa đạt đến tinh khôi.

Tôi yêu Việt Nam, tất nhiên. Nhưng tôi phải đi xa trở lại. Bởi vì nói cho cùng hạnh phúc đời người không phải là điểm đến mà chính là những cuộc hành trình. Đỉnh Phú Sĩ không phải là niềm vui sướng nhất mà chính là hành trình được chuẩn bị khá lâu để đến đó đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Trên đỉnh cao đầy tuyết không gì vui sướng hơn gửi đi lời chúc cho TÂM trong suốt tinh khôi.

Mount-Fuji2

Tuyết tượng trưng cho một cái gì trong suốt nhất, sạch sẽ nhất, minh bạch nhất (ảnh: Snow Forecast)

Người Nhật đã bỏ tục ăn Tết, nhưng từng gia đình vẫn lặng lẽ đón năm mới cổ truyền, đặc biệt những nơi du lịch vẫn đông người đi lễ cầu phúc đầu năm. Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch nhưng đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Nhờ việc thay đổi lịch này mà chính phủ Nhật Bản đã “tiết kiệm” thời gian nghỉ, và tăng sản lượng quốc gia. Nói theo thuật ngữ bây giờ là “không để cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy”, làm cho nó trong suốt lưu thông. Hiện nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới còn đón Tết Âm lịch. Cô hướng dẫn viên người Nhật hôm đó nói với tôi rằng cô và gia đình cô rất thích đón Tết âm lịch truyền thống hơn, bởi theo dương lịch, ngày 1/1 hằng năm thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá. Còn nếu theo âm lịch cổ truyền, mùa Xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu của mùa Xuân thường rơi vào tháng hai. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng một tháng sau, Nhật Bản tràn ngập sắc hoa anh đào nở. Cô chúc tôi và gia đình về điều may mắn khi Việt Nam còn có phong tục ngàn đời đón tết theo trăng.

Ở Việt Nam, chúng ta có câu: ”Tháng giêng là tháng ăn chơi…” cho nên nhà nhà rộn rã chuẩn bị đón năm mới, với hy vọng mọi điều tốt hơn sẽ đến. Cũng vì “ăn chơi” dài ngày như vậy, nên cũng có nhiều học giả, nhà kinh doanh nóng ruột, kêu gọi bỏ tết âm, mà theo tết dương như người Nhật. Nhưng cho đến nay, đa phần dân số và chính phủ vẫn “trung thành” với ngày tết cổ truyền dân tộc.

Và mồng một Tết, tôi đứng trên đỉnh núi Phú Sĩ vừa tắm Phật, vừa chắp tay cầu nguyện cho mùa Xuân, dù theo lịch tây hay ta, miễn là ai cũng an toàn, mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc.

Empty

Đỉnh núi Kilimanjaro là ngọn núi cao nhất Châu Phi, nơi được gọi là "Ngôi nhà của Chúa"

Chúc cho tự do và bất tử

Trên đỉnh núi tuyết Phú Sĩ tôi nhớ tới nhân vật đồng nghiệp nhà báo Harry Street trong “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” và thương cảm nỗi đau bị nhiễm bệnh, nằm chờ chết trên đỉnh núi cao? Phải chăng trong những ngày dịch bệnh này ký ức của chúng ta luôn quay về với nỗi chết không rời? Nhưng tôi bác bỏ ngay thông điệp về cái chết của câu chuyện mà tìm thấy thông điệp bất tử trong tự do cũng từ câu chuyện “…đỉnh Kilimanjaro”. Tính biểu tượng của Kilimanjaro tương phản với tính biểu tượng của vùng đồng bằng. Harry chết trên đồng bằng. Trong vô vọng, ký ức của Harry quay về những khoảng thời gian hạnh phúc với ước mơ và cầu chúc đẹp mà anh đã có trên núi cao. Những gì tốt nhất xảy ra trên núi; ngược lại điều tồi tệ nhất - cái chết - xảy ra trên đồng bằng. Cuối cùng, sau khi chống chọi với vết thương truyền nhiễm, nhà báo Harry đã chết khi đến bình nguyên dưới núi. Hemingway kết thúc câu chuyện của mình với niềm hân hoan của linh hồn Harry, vì khi Harry chết, linh hồn được giải phóng và quay lại ngọn núi hùng vĩ nơi có đỉnh Kilimanjaro "nhìn thấy cả thế giới”, và tỏa sáng rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời.

Trong sâu thẳm, Ernest Hemingway muốn gửi đi một tiếng nói khác: Con người, vì bất cứ lý do gì, phải là con người tự do trong tư tưởng, con người ấy, ít nhất phải đi xa khỏi nơi ở thường nhật, chật chội của mình, và nếu có thể, tìm lên những đỉnh núi cao để tìm lại bản chất thật của mình?

Ngọn núi rực rỡ, phủ đầy tuyết trắng tinh khôi - đó là “một nơi sạch sẽ, và sáng sủa” để con người tăm tối được thấy mơ ước thánh thiện của chính mình.

Ở Đà Nẵng, quê tôi, (có nhà văn Pháp gọi là “vịnh trăng lưỡi liềm”), xung quanh đều có núi. Tương truyền rằng, vào những năm mới mở cửa hội nhập, một trong những nhà lãnh đạo địa phương đã cho xây các tượng Phật trên đỉnh núi Sơn Trà và Bà Nà, với lòng thành cầu mong cho quốc thái dân an. Từ đó, Đà Nẵng phát triển, mà thiên tai bão lũ cũng giảm đi rõ rệt. Dân bây giờ ai cũng nhớ đến ông mỗi khi cảm thấy mình được an toàn hơn, hạnh phúc hơn, ấm no hơn.

 

 

Khi tôi viết bài này (cuối đông 2021) thì Đà Nẵng đang bùng phát dịch lần thứ 4, nhưng số tử vong vẫn trong vòng kiểm soát. Đứng trên Cầu Rồng - một biểu tượng mới của Đà Nẵng - bắc qua sông Hàn, vẫn thấy rõ những ngọn núi cao bao quanh thành phố, như một lời hứa gìn giữ an bình bền vững của tự nhiên. Theo nghĩa rộng hơn, “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro) nên được xem như một bài học về một "Thế hệ lạc loài", thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh, khiến họ phải đặt lại câu hỏi về đạo đức và triết học. Đặc biệt, Hemingway thấy mình đang ở trong một khoảng trống đạo đức khi ông cảm thấy không còn đức tin tôn giáo. Cuối cùng, ông đã đưa ra quy tắc ứng xử của riêng mình: tận hưởng phút giây đang sống và dành trái tim cao thượng cho tất cả mọi người. Sau đại dịch COVID-19 chúng ta càng nên dành lời chúc Xuân năm nay cho tình yêu, không chỉ giữa người và người, mà còn giữa người và tự nhiên!

Kilimanjaro, thuộc nước Tanzania, là một ngọn núi phủ đầy tuyết cao 5.895m (Phú Sĩ cao 3.776m), và được cho là ngọn núi cao nhất ở châu Phi. Đỉnh phía tây của nó được gọi là Masai "Ngaje Ngai" ( Ngôi nhà của Chúa). Gần đỉnh phía tây có xác một con báo khô và đông lạnh. Không ai giải thích được con báo đang tìm kiếm thứ gì ở độ cao đó. Nhưng, phải chăng, xác con báo đông tuyết, là tượng trưng cho bất tử? Nếu đúng như vậy, thì sự bất tử chỉ có trên đỉnh Kilimanjaro, nơi nó nằm trong băng giá - được bảo tồn vĩnh viễn. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn không biết con báo đỉnh Kilimanjaro được bao nhiêu tuổi, nhưng điều đó không còn ý nghĩa, khi nó tượng trưng cho sự bất tử vì hình như trên đỉnh núi cao phủ tuyết trắng quanh năm không có bóng tử thần.

Lời chúc đầu năm của chúng tôi về tâm tự do trong suốt và cao thượng - nền tảng của phước, lộc, thọ ở đời, càng trở nên thiêng hơn.

Mùa xuân trên đỉnh non cao càng gần gũi và ấm áp hơn bao giờ!

 

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết