"Cuộc tranh đấu chống trận dịch tượng trưng cho tất cả các cuộc tranh đấu chống áp bức con người." (A. Camus - Tác giả cuốn Dịch hạch)
Các địa phương có đang "làm khó" người dân về quê ăn Tết?
Mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng có thông tin 7 mũi vaccine COVID-19
Cục Quản lý Dược đề nghị Hà Nội kiểm tra việc rao bán Molnupiravir tại nhà thuốc
"Cú nước rút" của chiến dịch tiêm vaccine chống giặc COVID-19
Trong thời gian giãn cách vì thành phố phong tỏa nhằm chống lại đợt sóng COVID-19 thứ tư tại thành phố HCM, tôi có thời gian để đọc lại tác phẩm văn học hợp thời dịch bệnh, đó là cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” (La peste) của đại văn hào Pháp - Nobel văn chương - Albert Camus.
Đọc lại để thấy phảng phất hình ảnh chúng ta đâu đó trong nhiều năm tháng cũ, trong trực giác của nhà văn thiên tài.
Bác sỹ trên tuyến đầu
Nhân vật đầu tiên đáng ngưỡng mộ là bác sỹ Bernard Rieux. Ông hiện thân trong tất cả đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu chống COVID-19 của chúng ta hiện nay. Ông là ai? Là một người đàn ông khoảng 35 tuổi, có chiều cao vừa phải, nước da ngăm đen, với mái tóc đen cắt sát. Ở phần đầu của cuốn tiểu thuyết, vợ của Rieux, người đang bị bệnh và phải nằm bệnh viện (chi tiết này cho thấy khó khăn riêng của bác sỹ) .
Bác sỹ Rieux là người điều trị cho nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch hạch và lần đầu tiên sử dụng từ “dịch” để mô tả căn bệnh này. Ông kêu gọi các nhà chức trách hành động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, lúc đầu, chính quyền thành phố không chia sẻ lo lắng đó, mặc dù họ cảm thấy bất an nhưng không nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. Trong một thời gian ngắn, bác sỹ Rieux nắm bắt được những gì đang bị đe dọa và cảnh báo với các nhà chức trách rằng trừ khi các biện pháp được thực hiện ngay lập tức, dịch bệnh có thể giết chết một nửa dân số thành phố trong vòng vài tháng.
Không ít bác sỹ ở TP.HCM đã giống như bác sỹ Rieux, gạt bỏ chuyện gia đình giành hết cho người bệnh (ảnh Tuổi trẻ)
Trong thời gian bùng phát dịch, Rieux đứng đầu một bệnh viện dã chiến và làm việc nhiều giờ để điều trị cho các bệnh nhân. Anh gần như không về nhà, mặc dù vợ anh đang bệnh nặng và dành mọi tình thương cho bệnh nhân; nếu không có tình thương đó, anh không thể đứng vững… Bác sỹ Rieux còn như một “chính ủy” khi anh vận động những người muốn tự tử vì sợ hãi quay về tin yêu cuộc sống.
Rieux hành động như vậy, đơn giản vì anh ấy là một bác sỹ và công việc của anh ấy là làm giảm đau khổ của con người. Anh không làm điều đó vì bất kỳ mục đích tôn giáo, (Rieux không tin vào Chúa), hoặc là một phần của quy tắc đạo đức, như các nhân vật khác trong cuốn truyện. Bác sỹ trẻ Rieux là một người thực tế, làm việc không cần cầu kỳ, nhưng anh biết rằng cuộc đấu tranh chống lại cái chết không phải lúc nào cũng giành chiến thắng.
Những người tình nguyện
Một nhân vật khác - Tarrou - tương trưng cho những người lạc quan, là người đầu tiên tổ chức các đội tình nguyện viên để hỗ trợ các y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch.
Tarrou hành động như vậy vì anh có niềm tin vào đạo đức. Tarrou đến thành phố Oran - nơi đang phong tỏa - vài tuần trước khi bệnh dịch bùng phát. Tarrou là một người đàn ông tốt bụng và hay cười. Anh thích ghi nhật ký về cuộc sống sinh động ở thành phố.
Anh ấy cảm thấy rằng “bệnh dịch là trách nhiệm của tất cả mọi người và mọi người nên làm nhiệm vụ của mình”. Anh thú nhận với bác sỹ Rieux rằng điều khiến anh quan tâm là làm thế nào để trở thành một vị thánh hoặc ít nhất cũng là một anh hùng, mặc dù anh không tin vào Chúa.
Đã có không ít người xông vào tâm dịch để giúp đỡ những người yếu thế (Ảnh: Ca sỹ Việt Hương chuyển nhu yếu phẩm đến các hộ gia đình trong tâm dịch TP.HCM)
Tarrou kể cho bác sỹ Rieux câu chuyện của cuộc đời anh. “Cha của anh, một luật sư công tố chính trực, người đã xét xử các vụ án tử hình, lập luận gay gắt về việc áp dụng án tử hình. Khi còn là một cậu bé, Tarrou đã tham dự phiên tòa tố tụng hình sự, do cha anh làm chánh án, đã phán tội tử hình cho bị cáo. Từ đó, ý tưởng về hình phạt tử hình khiến anh kinh tởm. Tarrou đã bỏ nhà lúc 18 tuổi để phản đối án tử hình mà anh gọi là “kẻ sát nhân được nhà nước bảo trợ”.
Khi đại dịch gần như kết thúc, Tarrou bị nhiễm bệnh và trở thành một trong những nạn nhân cuối cùng của nó. Anh đã chiến đấu anh dũng trước khi chết. Người dân thương tiếc anh. Anh đã trở thành một người “tử vì đạo” theo nghĩa anh đã tin vào lòng tốt và trái tim cao thượng.
Nhà báo: anh là ai?
Nhân vật tiêu biểu thứ ba là một nhà báo, Raymond Rambert. Anh tượng trưng cho “sự tái sinh tính người” từ nỗi xấu hổ vì quá sợ hãi cái chết. Tôi thích nhân vật này nhất, không chỉ vì anh là nhà báo (giống tôi), mà anh là cái gì mà phần đông chúng ta có thể đã trải nghiệm: sợ chết, biết xấu hổ và trở về với bản năng thiện của con người.
Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19 (ảnh VnEconomy)
Phóng viên Raymond đến thành phố Oran - nơi sau đó xảy ra đại dịch, để viết một phóng sự về điều kiện sống của người thiểu số ở đó. Khi bệnh dịch hoành hành, anh bị mắc kẹt trong thành phố phong tỏa. Anh cảm thấy như bị giam lỏng. Anh nhớ bạn gái và sử dụng tất cả sự khéo léo, tài lanh và các mối quan hệ của một nhà báo để thuyết phục quan chức thành phố cho phép anh rời đi. Tất nhiên không ai cho phép. Vì vậy anh ta liên lạc với những kẻ buôn lậu, những người đồng ý giúp anh trốn thoát với một khoản phí mười nghìn franc. Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch trốn chạy không thành. Raymond buộc phải thay đổi quyết định của mình. Anh quyết định ở lại thành phố và tham gia đội tình nguyện chống lại bệnh dịch, thú nhận rằng anh cảm thấy “xấu hổ về bản thân nếu chỉ theo đuổi một hạnh phúc ích kỷ, riêng tư”. Bây giờ anh cảm thấy mình thuộc về thành phố, và bệnh dịch là việc của mọi người, kể cả của anh, bất kể anh có là một nhà báo hay không.
Những người vô danh của đám đông
Một nhân vật tiêu biểu khác là Joseph Grand, một người cầu toàn, và mặc cảm thất bại, nhưng là người tốt trong cái “đa số thầm lặng” vốn có của xã hội chúng ta.
Joseph Grand là một thư ký năm mươi tuổi, công chức trong bộ máy chính quyền thành phố. Anh ấy cao và gầy. Được trả lương thấp, sống khắc khổ, nhưng giàu tình cảm. Trong thời gian rảnh rỗi, Grand học tiếng La-tinh, và viết sách, nhưng là một người cầu toàn đến mức chỉ viết được câu đầu tiên và liên tục viết lại câu đó và không thể viết thêm gì nữa. Một trong những vấn đề của nhân vật này là: anh không thể tìm được từ ngữ chính xác để diễn đạt ý mình muốn nói. Grand kể với bác sỹ Rieux rằng anh kết hôn khi vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nhưng công việc quá sức và nghèo đói đã khiến họ phải gánh chịu hậu quả (Grand không nhận được sự thăng tiến trong sự nghiệp như những gì anh đã hứa), và người vợ Jeanne đã bỏ anh. Anh đã cố gắng nhưng không viết được một bức thư cho cô, và anh vẫn đau buồn vì mất mát của mình.
Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam (Ảnh: Đại học Y HN)
Đối với những người có vẻ thầm lặng trong cuộc sống bình thường, thì khi tai ương xảy ra, họ lại là người dũng cảm. Grand là trường hợp điển hình như vậy. Lúc bệnh dịch hoành hành, Grand tham gia vào đội tình nguyện viên, với tư cách là tổng thư ký, điều tra và ghi lại tất cả các số liệu thống kê như “số ca nhiễm, số tử vong, số được chữa lành…”. Bác sỹ Rieux coi anh ta là "hiện thân thực sự của lòng dũng cảm thầm lặng đã truyền cảm hứng cho các nhóm tình nguyện phục vụ bệnh nhân lây nhiễm." Chính Grand cũng bị lây bệnh và khi tưởng mình chết, anh nhờ Rieux đốt bản thảo của mình. Nhưng sau đó Grand phục hồi bất ngờ. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, Grand nói rằng anh ấy hạnh phúc hơn nhiều. Anh đã viết thư cho vợ Jeanne và bắt đầu viết lại cuốn sách của mình.
Một nhân vật khác cũng rất tiêu biểu, cũng có rất đông trong chúng ta - những người bi quan tuyệt vọng trong dịch bệnh. Đó là Cottard - hàng xóm của Grand. Bác sỹ Rieux đã khuyên răn Cottard khi Cottard muốn tự tử vì sợ lây nhiễm. (Hiện nay con số trẻ vị thành niên tự tử ở Mỹ gia tăng trong COVID-19 là “hậu duệ” của anh chàng Cottard này, do trầm cảm vì dịch bệnh.)
Cottard sống cùng tòa nhà với Grand. Anh ta dường như thất nghiệp dù anh nói nghề của anh là bán rượu. Cottard là một nhân vật lập dị, ít nói và có vẻ bí ẩn, người cố gắng treo cổ tự vẫn trong phòng của mình. Sau khi được cứu, anh ta không muốn bị cảnh sát hỏi cung vì cho rằng mình đã phạm tội sát nhân-“tự giết mình” và sợ bị bắt.
Tính cách của Cottard đã thay đổi sau khi bệnh dịch bùng phát. Nếu trước dịch, anh ấy đáng ghét, và xa cách bao nhiêu, thì giờ đây anh ấy càng dễ mến và thân thiện bấy nhiêu. Cottard có vẻ thích thú với bệnh dịch, vì cho rằng mình “thấy thoải mái hơn khi sống với nỗi sợ hãi của chính mình khi mà tất cả những người khác cũng đang trong tình trạng sợ hãi”. Khi dịch bệnh giảm dần, tâm trạng của Cottard dao động. Đôi khi anh ấy rất hòa đồng, nhưng những lúc khác, anh ấy lại thu mình trong phòng tối. Cuối cùng, anh ta rơi vào hoảng loạn, cầm súng ra đường bắn lung tung và làm bị thương một số người và giết chết một con chó. Cảnh sát đã bắt nhốt anh ta.
Đoàn kết, đồng lòng, lan tỏa tình thương trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 (Ảnh: Báo Quốc tế)
Sứ mạng làm người
Nếu Cottard là một nhân vật hoảng loạn tâm lý trong dịch bệnh, thì cha Paneloux lại là một người có tâm lý vững vàng, luôn giữ niềm tin tôn giáo trước cái chết.
Cha Paneloux là một linh mục Dòng Tên uyên bác, được kính trọng. Vào giai đoạn đầu của đợt bùng phát bệnh dịch, Paneloux thuyết giảng tại nhà thờ lớn. Ông có một cách nói mạnh mẽ, và khẳng định với tín hữu rằng bệnh dịch là một tai họa do Đức Chúa Trời gửi đến cho những ai đã mất đức tin. Tuy nhiên, cha Paneloux cũng tuyên bố rằng Đức Chúa Trời hiện diện trong đại dịch để ban cho con người đức hy sinh và lòng hy vọng.
Sau đó, cha Paneloux đến tận giường cậu con trai bị bệnh của một tín đồ và cầu nguyện cho cậu bé được tha. Nhưng cậu bé vẫn chết. Cha Paneloux nói với bác sỹ Rieux rằng cái chết của một đứa trẻ vô tội trong thế giới được cai trị bởi Chúa yêu thương không thể được giải thích theo lô-gích thông thường. Ông cho rằng đó là một thử thách của đức tin. Vài ngày sau khi giảng bài giảng này, Paneloux bị ốm. Ông từ chối chữa trị vì chỉ tin cậy vào Chúa, và cuối cùng, ông chết.
Như trích dẫn đầu bài: "Cuộc tranh đấu chống trận dịch tượng trưng cho tất cả các cuộc tranh đấu chống áp bức con người", do vậy, lợi khí sắc bén của cuộc tranh đấu này là tình đoàn kết và đức hy sinh. Nhưng mọi hành động chống lại dịch bệnh vì quyền lợi của con người phải đặt cứu cánh và ranh giới trong sự kính trọng con người.
Câu hỏi lớn mà nhà văn Albert Camus đặt ra ở cuối cuốn tiểu thuyết: "Liệu một người có thể trở thành thánh mà không có Chúa không?" đã được bác sỹ Rieux - nhân vật chính và người kể chuyện đã dõng dạc trả lời: “Trở thành thánh hay anh hùng không là gì với tôi. Cái tôi quan tâm đó là con người.”
Bình luận của bạn