Cơ thể không thiếu CoQ10
Cơ thể vốn có đủ CoQ10, rất ít khi thiếu do di truyền. Sự giảm CoQ10 là do:
- Dinh dưỡng nghèo nàn: Do thiếu acid amin, vitamin, vi lượng nên việc sinh tổng hợp CoQ10 bị trở ngại. Muốn bù đắp, không chỉ thụ động đưa CoQ10 từ ngoài vào mà cần chủ động cải thiện chế độ dinh dưỡng, lập lại quá trình sinh tổng hợp CoQ10 bình thường.
- Nghiện rượu, thuốc lá, stress, ốm đau làm thay đổi quá trình chuyển hóa (trong đó có làm giảm vitamin, acid amin, vi lượng), dẫn tới giảm sinh tổng hợp CoQ10. Muốn lập lại quá trình sinh tổng hợp bình thường phải giải quyết các vấn đề trên.
- Do dùng thuốc: Các chất điều trị rối loạn mỡ máu nhóm statin ức chế HMG - CoA reductase, do vậy làm giảm sinh tổng hợp CoQ10. Nếu CoQ10 bị giảm sút do dùng statin, có thể tạm thời bổ sung CoQ10.
- Tuổi tác: CoQ10 đạt nồng độ cao nhất ở tuổi 20. Sau đó giảm dần: ở tuổi 30 giảm 25%, ở tuổi 39 - 43 giảm 50%. Sự giảm này liên quan với quá trình chuyển hóa chung. Tuổi càng tăng, việc hấp thu vitamin, sản xuất hormon và mọi hoạt động đều giảm, nhu cầu năng lượng, tiêu thụ ôxy cũng giảm theo. Đây là sự giảm sinh lý. Không riêng gì CoQ10 mà cũng có sự giảm tương tự một số chất khác. Chẳng hạn, hormon tăng trưởng giảm từ tuổi 30, testosteron từ tuổi 20 trở đi mỗi năm giảm 1 - 2%, estrogen giảm mạnh từ tuổi 40. Sự suy giảm này không gây biến cố nghiêm trọng mà chỉ làm già hóa. Đã có nhiều nghiên cứu bổ sung các chất này chống lão hóa nhưng hiệu quả rất hạn chế, thất thường. Trái lại dùng lâu dài có khi còn gây hại. Chẳng hạn hormon tăng trưởng có thể gây chứng to cực, hội chứng ống cổ tay, khối u giả trong não; testosteron gây phì đại tiền liệt tuyến; estrogen làm tăng ung thư nội mạc tử cung, gây huyết khối. Có thể là do việc thêm vào cơ thể một cách cơ học như thế không thể làm thay đổi sự hoạt động hài hòa tinh tế của các chất nội sinh. Tương tự như vậy, chưa có nghiên cứu lâm sàng chứng minh là dùng CoQ10 chống được lão hóa nhưng cũng chưa có nghiên cứu tác hại do bổ sung chúng
Chống ôxy hóa và hỗ trợ điều trị suy tim
Gốc tự do gây ra phản ứng ôxy hóa làm hư hại tế bào, sinh ra các chất gây ung thư (như nitrosoamin). CoQ10 tan được vào màng tế bào nên góp phần bảo vệ màng lipid tế bào và góp phần ngăn ngừa ung thư. Nói là góp phần bảo vệ và ngăn ngừa vì còn nhiều yếu tố gây hại màng lipid tế bào, gây ung thư khác và vì một khi tế bào bị hư hỏng, bị ung thư thì không thể dùng CoQ10 đảo ngược lại, nghĩa là không dùng CoQ10 điều trị hay hỗ trợ điều trị.
CoQ10 có nhiều trong mô tim (theo một số tài liệu nồng độ gấp 10 lần trong một số mô khác).Các nghiên cứu cho biết, người bị bệnh tim mạch thì CoQ10 bị giảm sút (cao nhất là giảm 75%) làm cho khả năng tạo năng lượng, sử dụng ôxy của tim giảm sút. Dùng CoQ10 đều đặn có thể cải thiện được một số triệu chứng trong một số bệnh tim (giảm phù gan, sung huyết, giảm đánh trống ngực, cải thiện cung lượng tim, phân suất tống máu). Do vậy, dùng CoQ10 hỗ trợ điều trị suy tim chứ không phải là để phòng ngừa hay điều trị suy tim.
CoQ10 có liều lượng riêng của nó. Bổ sung quá nhiều lượng CoQ10 sẽ đem lại những tác dụng phụ cho cơ thể
Cholesterol xấu (LDL-C) bị oxy hóa thành các hạt mỡ liti bám vào thành mạch gây xơ vữa. Trong cơ thể, có nhiều yếu tố nội sinh chống lại sự oxy hóa mà CoQ10 chỉ là một trong các yếu tố đó (do chống lại gốc tự do). Do vậy, không thể dùng CoQ10 để phòng trước bệnh xơ vữa mạch. Khi bị xơ vữa mạch, cần dùng thuốc đặc trị, nếu thiếu CoQ10 có thể bổ sung hỗ trợ tạm thời. Không thể xem CoQ10 là thuốc phòng chữa xơ vữa mạch.
Bổ sung như thế nào?
Người bình thường không cần bổ sung CoQ10, khi thiếu có thể bổ sung tạm thời. Điều quan trọng là phải tái lập lại việc sinh tổng hợp bình thường CoQ10. Người già không nên kỳ vọng dùng CoQ10 để trẻ lại. Khi bị một số dạng tim mạch, xơ vữa mạch phải dùng thuốc đặc hiệu để điều trị, có thể dùng CoQ10 hỗ trợ. Khi chưa có bệnh không dùng CoQ10 để phòng.
CoQ10 được tìm ra năm 1957. Khía cạnh nghiên cứu hóa sinh đã được khẳng định: Năm 1987, Piter Michell nhận giải Nobel Hóa học về các công trình chuyển tải năng lượng CoQ10. Khía cạnh nghiên cứu ứng dụng còn nhiều hạn chế, chỉ có thể dùng trong một số trường hợp (nói trên). Nhiều nước đã dùng CoQ10 từ lâu. Điều cần phải chấn chỉnh là không nên quảng cáo CoQ10 như một thần dược mới, chữa quá nhiều bệnh, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn, lạm dụng.
Tác dụng phụ của CoQ10 chủ yếu nhẹ nhưng lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Chúng bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn và ợ nóng. Những ảnh hưởng này hết sau vài ngày đến 1 tuần, nhưng có những trường hợp ngày càng nặng thêm. |
Bình luận của bạn