Truyền thông cảnh tỉnh đi cùng xử lý nghiêm trong bảo đảm ATTP

Nhiều giải pháp được trao đổi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm - Ảnh: VGP

Hà Nội xử phạt 18 cơ sở hành nghề y, dược và an toàn thực phẩm

Phát hiện nhiều cơ sở trà trộn nguyên liệu thực phẩm trôi nổi

Ưu thế của y học cổ truyền trong điều trị trầm cảm

5 lưu ý về an toàn thực phẩm đối với món bánh mì sandwich

Đây là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đưa ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 23/8. Phó Thủ tướng nêu rõ, trong khi nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn hiện hữu với nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, khoảng cách giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này còn rất lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. Nhiều vụ ngộ độc với số lượng nạn nhân lớn có liên quan tới vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh đường ruột (thường phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết nóng ẩm). Ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đặc điểm cư dân đông, nhiều chợ tự phát và hình thức “bán hàng online” khó truy xuất nguồn gốc tạo ra thêm nhiều thách thức với công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng cho rằng tăng biên chế không phải là giải pháp chính: “Tăng gấp mười lực lượng, đi kiểm tra từng nơi chưa chắc hiệu quả”. Trong đảm bảo an toàn thực phẩm, ý thức của người dân và thói quen tiêu dùng thông minh mới tạo nên sự bền vững.

Đây cũng là ý kiến được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu lên trong cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng, tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh là 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm ATTP. Thay vì chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc, cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm ATTP. 

Về xử phạt, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện hơn 15.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền 2.285 cơ sở với số tiền hơn 19,8 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp và Công Thương cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm có liên quan tới ATTP. Đơn vị Công an cũng khởi tố nhiều vụ án về vi phạm ATTP, có tính răn đe, cảnh tỉnh.

Về phương hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm tốt nhiệm vụ trong khả năng, nguồn lực hiện có, làm sao sử dụng hiệu quả nhất, tập trung nhất. Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Công Thương tiếp tục đầu tư trong khả năng để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.

Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện thể chế, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có trọng tâm, trọng điểm, có đầu ra cụ thể và giải pháp phải khả thi.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn