COP28 "nóng" vì nhiên liệu hóa thạch

Giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tăng công suất năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu là hai chủ đề thảo luận chính tại COP28

COP28: 777 triệu USD để chống lại các bệnh nhiệt đới

COP28: Những kỳ vọng của thế giới về giải quyết khủng hoảng khí hậu

Vì sao Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu như một vấn đề sức khỏe toàn cầu?

Cuộc chiến chống “biến đổi khí hậu”: Lo ngại của Thủ tướng Việt Nam

Dự thảo đã gây ra những tranh cãi vào những phiên họp cuối trong Hội nghị về biến đổi khí hậu đã kéo dài 2 tuần qua ở Dubai này, khi các quốc gia không thể thống nhất được việc liệu có nên dần hạn chế và cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ dầu, khí đốt và than đá trong tương lai không.

Theo Washington Post, bà Mona Ainuu, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên quốc đảo Niue, đã rơi nước mắt khi phản ứng với dự thảo thỏa thuận vừa được đề xuất tại Hội nghị COP28. "Đất nước chúng tôi đang chìm dần vì mực nước biển dâng cao. Chúng tôi đang mất đất, mất người...Tôi sẽ nói gì khi trở về đây?" - bà Ainuu nghẹn ngào chia sẻ với các phóng viên.

Giống như vị Bộ trưởng của Niue, nhiều đại biểu từ các quốc gia dễ bị "tổn thương" khác đã bày tỏ sự thất vọng và tức giận trước dự thảo thỏa thuận được công bố vào tối 11/12 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP28). Theo đó, không giống như các phiên bản trước, dự thảo lần này không kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân sâu xa của biến đổi khí hậu và khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong năm qua.

Thay vào đó, dự thảo liệt kê 8 lựa chọn mà các quốc gia có thể sử dụng để cắt giảm lượng khí thải, bao gồm: "Giảm cả mức tiêu thụ lẫn sản xuất nhiên liệu hóa thạch, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trước hoặc vào khoảng năm 2050".

Chính sách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây căng thẳng tại Hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu ở Dubai - Ảnh: Reuters

Chính sách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây căng thẳng tại Hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu ở Dubai - Ảnh: Reuters

Dự thảo được đưa ra trở thành chủ đề "nóng" gây bất đồng quan điểm sâu sắc giữa các nhà đàm phán đến từ gần 200 quốc gia, bao gồm các quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - chủ nhà của COP28 và là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới.

Mặc dù trên thực tế, lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cho đến nay là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Tuy nhiên các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế kéo dài 30 năm qua vẫn chưa bao giờ dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu về việc cắt giảm việc sử dụng chúng.

Thỏa thuận của dự thảo này gần như là bước cuối cùng trước khi ký kết COP28, tại đó, theo thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia có nhiệm vụ giải quyết cách duy trì tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C. Các nước nghèo và dễ bị "tổn thương" đã thúc đẩy thỏa thuận bao gồm việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu.

Văn bản đã gây ra sự phản đối rộng rãi từ các nhóm khí hậu và cho rằng nó phản ánh sự "miễn cưỡng" của thế giới trong việc dứt khoát chấm dứt kỷ nguyên than, dầu và khí đốt.

"Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận một kết quả từ COP28 khi không đặt chúng tôi vào lộ trình hướng tới một tương lai mà nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C” - ông John Silk, Bộ trưởng Tài nguyên và Thương mại của Quần đảo Marshall nhấn mạnh.

Chủ tịch COP28 ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi gần 200 quốc gia tại các cuộc đàm phán tăng cường nỗ lực để hoàn tất một thỏa thuận trước khi hội nghị kết thúc theo lịch trình vào hôm nay (12/12), đồng thời thừa nhận rằng các bên "vẫn có rất nhiều việc phải làm".

Những nỗ lực vào phút chót

Nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu thế giới cho đến nay, chiếm hơn 80% nguồn cung thế giới

Nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu thế giới cho đến nay, chiếm hơn 80% nguồn cung thế giới

Vào những ngày cuối của Hội nghị COP28, các quan chức Mỹ - đại diện cho nền kinh tế và sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã lên tiếng nhằm tìm ra sự thỏa hiệp trong vấn đề nhiên liệu hóa thạch. Trong cuộc họp giao ban với các nhóm môi trường sau khi dự thảo thỏa thuận được công bố vào tối 11/12, đặc phái viên về khí hậu Mỹ, John F. Kerry, cho biết, ông vẫn đang thúc đẩy việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch thông qua các cuộc đàm phán "kín" giữa các trưởng phái đoàn.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia Ả Rập dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai sau Mỹ - đã phản đối mạnh mẽ việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong những ngày gần đây. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các cuộc đàm phán toàn cầu nhằm giảm bớt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã kéo dài kể từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm 2021 ở Glasgow, Scotland vẫn "chưa có hồi kết".

Các nhà sản xuất dầu lớn như Ả Rập Saudi và những người tiêu dùng than như Ấn Độ đã chống lại lời kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và sự thỏa hiệp mới nhất cho thấy nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang do dự như thế nào trong việc từ bỏ nguồn năng lượng hàng đầu thế giới này.

Dự thảo thỏa thuận được công bố tối 11/12 cũng giống thỏa thuận ở Hiệp ước khí hậu Glasgow 2 năm trước, trong đó nhấn mạnh kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon (CCS) và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả".

Trong khi đó, một số nhà bảo vệ môi trường lại coi CCS là một giải pháp khí hậu sai lầm, cho rằng nó có thể kéo dài tuổi thọ của các cơ sở gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đã cảnh báo rằng, nhân loại không thể xây dựng bất kỳ cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới nào nếu họ hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Bà Vanessa Nakate, một nhà hoạt động khí hậu người Uganda nói: “Các quốc gia không thể tự mình thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu. Họ không thể tự mình thoát khỏi tình trạng ô nhiễm không khí.”

Đặc phái viên về khí hậu của Đức, Jennifer Morgan, cho biết: “Nhóm Ả Rập, và đặc biệt là Ả Rập Saudi, phải đưa ra quyết định xem họ có muốn trở thành một phần của hệ thống năng lượng hiện đại mới hay không? Sự lựa chọn của họ sẽ tác động đến tương lai của hàng trăm triệu người.”

Một tài liệu dự thảo mới dự kiến sẽ được đưa ra trong ngày 12/12, có nghĩa sẽ không còn nhiều thời gian cho những bất đồng tiếp theo trước khi thời điểm hội nghị kết thúc cùng ngày. Tuy nhiên, các Hội nghị COP hiếm khi kết thúc đúng lịch trình.

Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch vẫn tạo ra khoảng 80% năng lượng của thế giới và là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Washington Post)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn