CDC Hoa Kỳ đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam chuẩn bị cho “đại dịch tiếp theo”

Hợp tác y tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam giúp ngành y tế ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiếp nhận sinh phẩm bạch hầu từ CDC Hoa Kỳ

CDC Mỹ cảnh báo bùng phát nhiễm khuẩn salmonella do thức ăn thú cưng

Một biến chủng Omicron mới xuất hiện khiến cả WHO và CDC Mỹ lo lắng

Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

2023 – năm quan trọng của ngành y tế toàn cầu

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) bắt đầu hợp tác với Việt Nam từ năm 1998 để xây dựng hệ thống y tế công cộng hiệu quả và bền vững. Năm 2023 kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác và hợp tác thành công của hai nước trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm và nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Đây là thông tin được BS Eric Dziuban - Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam chia sẻ, trong buổi gặp gỡ báo giới trước Lễ trao tặng sinh phẩm xét nghiệm bạch hầu của CDC Hoa Kỳ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương.

BS Dziuban cho hay: "Mặc dù COVID-19 vẫn còn hiện hữu, nhưng năm nay, chúng ta không còn coi COVID-19 là một tình trạng khẩn cấp về y tế, sức khỏe đáng quan ngại trên toàn cầu nữa." Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực ứng phó với COVID-19 của ngành y tế trong những đợt dịch "nóng" nhất.

BS Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

BS Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đưa ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Một trong những mục tiêu hợp tác được nhấn mạnh là hợp tác về lĩnh vực y tế, khẳng định sẽ tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh y tế như ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh toàn cầu khác.

Việt Nam cần làm gì để tiến tới đảm bảo an ninh y tế?

Cũng theo BS Dziuban, Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều nước khác, dân số khá đông. Ngoài ra, ở Việt Nam đang có rất nhiều trang trại nuôi động vật hoang dã. "Tất cả những yếu tố này làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng về các dịch bệnh mới nổi. Đây cũng là lý do mà chúng tôi ở đây, cùng phối hợp với các cơ quan y tế để có thể giúp ứng phó với các vấn đề này", BS Dziuban chia sẻ.

Việt Nam có thể áp dụng các bài học từ quá trình phòng, chống dịch COVID-19 để chuẩn bị, đáp ứng cho các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai. Việc tăng cường năng lực cho hệ thống y tế nói chung không hướng tới một dịch bệnh cụ thể nào, mà cần giúp cho hệ thống y tế sẵn sàng cũng như đủ mạnh để có thể ứng phó với nhiều tác nhân gây bệnh khác như: Sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, bạch hầu

CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức chương trình đào tạo cho các cán bộ dịch tễ phát hiện dịch bệnh một cách nhanh chóng tại thực địa, tăng cường năng lực cho các phòng xét nghiệm, tăng cường hệ thống dữ liệu để chia sẻ hiệu quả. Máy giải trình tự gene do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trao tặng, CDC Hoa Kỳ đào tạo, hướng dẫn sử dụng, không chỉ được dùng trong giải trình tự gene SARS-CoV-2 mà còn được dùng để hiểu rõ hơn về virus đậu mùa khỉ. Nhờ đó, ngành y tế có thể đưa ra những quyết sách nhanh chóng, chính xác, dựa trên cơ sở khoa học.

TS Lindsay Kim - Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu chia sẻ về hợp tác của CDC Hoa Kỳ với nhiều bộ, ngành tại Việt Nam - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

TS Lindsay Kim - Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu chia sẻ về hợp tác của CDC Hoa Kỳ với nhiều bộ, ngành tại Việt Nam - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

TS Lindsay Kim - Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, trong quá trình hợp tác, CDC Hoa Kỳ đã và đang phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện nhiều chương trình giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dại; Sốt xuất huyết và biến đổi khí hậu; Bảo đảm độ phủ vaccine cho trẻ em…

TS Kim thông tin thêm, hàng năm, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế cũng như nhiều đối tác khác để rà soát, nhìn lại các khoảng trống trong chương trình an ninh y tế của Việt Nam, cũng như những khó khăn, thách thức hiện tại để đưa ra các bước tiếp theo. Những vấn đề cốt lõi ở đây là làm thế nào để dự phòng, phát hiện và ứng phó nhanh chóng với những mối đe dọa về sức khỏe.

Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) trên cả nước để giúp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó cho các đại dịch tiếp theo”.

Nước ta hiện có hệ thống Trung tâm và Văn phòng EOC tại cả 3 miền, đóng vai trò là đơn vị đầu mối trong việc phối hợp, phân tích dữ liệu từ các chương trình này cũng như các hoạt động giám sát thường xuyên khác, trong nỗ lực kiểm soát các bệnh dịch. Đây là một trong những cam kết của Việt Nam khi tham gia Chương trình An ninh y tế toàn cầu - một nỗ lực chung của hơn 60 quốc gia nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý