Nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP27: "Dậm chân tại chỗ"

Hội nghị COP27 chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính

WHO tiến hành "thay máu" bộ máy lãnh đạo

WHO: Sức khỏe phải là cốt lõi trong đàm phán về biến đổi khí hậu

WHO kêu gọi các nước "hành động" vì sức khỏe đô thị

WHO: Nấm gây bệnh đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người

Điểm sáng trong chống biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đã bế mạc phiên toàn thể vào ngày 20/11. Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, COP27 đã đồng thuận thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Quỹ bồi thường này sẽ bao gồm các khoản chi cho những tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra cho các nước nghèo, gồm: Xây dựng nhà cửa, cầu đường bị phá hoại và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nghiêm trọng.

Việc các nước tham gia COP27 tìm “tiếng nói chung” về quỹ chi trả tổn thất cho các nước nghèo được xem tín hiệu tích cực so với những năm trước. Theo AFP, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định, các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ đã “tiến một bước quan trọng hướng tới công lý” khi đi tới thỏa thuận này.

Molwyn Joseph - Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ đánh giá cao thỏa thuận thành lập quỹ hỗ trợ thiệt hại đã đứng về phía các nước nghèo

Molwyn Joseph - Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ đánh giá cao thỏa thuận thành lập quỹ hỗ trợ thiệt hại đã đứng về phía các nước nghèo

Ông Molwyn Joseph - Chủ tịch Liên minh Các quốc đảo nhỏ đánh giá, đây là "chiến thắng cho toàn thế giới". Liên minh này bao gồm 43 quốc đảo và quốc gia dưới mực nước biển. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo băng tan, nước biển dâng là mối đe dọa đến sự tồn vong của cư dân và các quốc đảo này.

COP27 cũng giữ nguyên "Cam kết 1,5 độ C", nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học của LHQ cảnh báo đây là "lằn ranh đỏ" với tương lai của địa cầu. Thế giới sẽ đối mặt những thảm họa cực đoan như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, khan hiếm lương thực… nếu nhiệt độ vượt quá con số trên.

Tuy nhiên, thỏa thuận còn "để ngỏ" nhiều câu hỏi như cơ chế hoạt động, nước nào sẽ phải "bỏ tiền vào quỹ" cũng như các mục tiêu sắp tới.

Không tiến ắt sẽ lùi

Quỹ bồi thường “tổn thất và thiệt hại” vốn không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu, nhưng lại là điểm đáng chú ý nhất trong COP27. Một số quan chức LHQ và nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận cuối cùng chưa đủ tham vọng. Dù đã được kéo dài thêm 1 ngày, phiên toàn thể chưa đi tới thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Chia sẻ với tờ The Guardian, TS Sven Teske – Đại học Công nghệ Sydney (Australia) nhận định: “Với thỏa thuận thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" thiếu chi tiết, cũng như duy trì "cam kết 1,5 độ C" mà không cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, cơ bản là chúng ta đã chấp nhận trả giá, thay vì chủ động tránh các thiệt hại trong tương lai".

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng với những thỏa thuận đạt được tại COP27

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng với những thỏa thuận đạt được tại COP27

Phát biểu tại phiên bế mạc COP27, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng này vẫn chưa đủ tạo bước tiến cho người dân và Trái Đất.

COP26 tại Glasgow năm ngoái đã đi tới cam kết giảm dần việc sử dụng than. Tại COP27 năm nay, một số quốc gia - dẫn đầu là Ấn Độ - muốn tiến xa hơn và đưa việc giảm dần tất cả nhiên liệu hóa thạch (gồm cả dầu mỏ và khí đốt) vào cam kết. Tuy nhiên, đề xuất này trở thành chủ đề gây tranh cãi dữ dội và giải pháp được đưa ra không thay đổi so với hội nghị trước đó.

CNN dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock: "Thật bực bội khi chứng kiến những bước đi chậm chạp trong việc cắt giảm và loại bỏ dần năng lượng hóa thạch, lại bị những quốc gia có lượng phát thải và nhà sản xuất dầu mỏ lớn ngáng đường".

COP27 diễn ra trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan năm nay. Các đàm phán viên kỳ vọng thay đổi tích cực hơn ở COP28 được tổ chức tại Dubai (UAE) vào cuối năm sau.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường