Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần ở nhiều người
"Sống chung" với kẻ giết người
WHO: Cần 23,4 tỷ USD để “dập” dịch COVID-19 trong 12 tháng tới
Trầm cảm nguy hiểm với sức khỏe như thế nào?
COVID-19 làm tăng nguy cơ trầm cảm ở 50% thanh niên toàn cầu
Theo Worldometer, tính đến ngày 2/11/2021, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 247.779.993 người nhiễm COVID-19, trong đó có 5.019.164 ca tử vong. Các quốc gia có số ca mắc và tử vong nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Không ai ngờ rằng đại dịch có thể ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch kéo dài với quy mô lớn hơn nhiều so với dự báo. Những làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới và các biện pháp nhằm hạn chế lây nhiễm áp đặt lên đời sống xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại, vận hành và phát triển của nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thể khẳng định bao giờ đại dịch chấm dứt và việc phải “chung sống” với COVID-19 dường như là một thực tại hiện hữu.
Song song với những thiệt hại về kinh tế - xã hội là gánh nặng bệnh tật và số ca tử vong tăng theo thời gian. Đại dịch còn là tác nhân nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần con người. Người dân ở hầu hết các châu lục đã và đang trải qua tâm trạng bất an, lo âu, căng thẳng trước sự lây lan nhanh của các biến chủng mới, do bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, bị cách ly, xét nghiệm, nhập viện. Nguy cơ rối loạn thần kinh như trầm cảm, lo lắng, hoang mang, rơi vào trạng thái khủng hoảng gia tăng khi tình trạng này kéo dài.
Ở hầu hết các quốc gia, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tập trung nguồn lực chủ yếu vào ngăn chặn sự bùng phát, lây lan và chữa trị người bệnh, song ít chú ý đến hệ lụy của đại dịch đối với sức khỏe tinh thần. Những biện pháp phòng, chống đại dịch được các quốc gia áp dụng khó có thể hàn gắn được những đổ vỡ và sang chấn tâm lý mà người dân trải qua.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đại dịch là tác nhân nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần con người
Có khá nhiều bằng chứng nghiên cứu trên thế giới về ảnh hưởng của đại dịch đến tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần. Theo Xinhua, một nghiên cứu quy mô toàn cầu mới đây với sự hợp tác của Hiệp hội Tâm thần Thế giới và Giáo sư tâm thần học Konstantinos Fountoulakis tại Trường Y thuộc Đại học Aristotle ở Hy Lạp cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Cụ thể, 30% trong số 55.589 người được hỏi từ 40 quốc gia tham gia cuộc khảo sát cho biết họ bị căng thẳng, hoặc trầm cảm nặng trong thời kỳ đại dịch. Sau nhiều tháng bị cô lập trong bối cảnh phong tỏa, 38% số người được khảo sát cho biết, họ có nhu cầu được giao tiếp với người khác và 26% số người được hỏi mong muốn được hỗ trợ tinh thần.
Một nghiên cứu khác của một nhóm tác giả đăng trên Tạp chí Diagnosis số tháng 7/2021 đánh giá khái quát các nghiên cứu đã công bố thời gian qua về ảnh hưởng của các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng COVID-19 với sức khỏe tâm thần con người. Theo đó, nghiên cứu nhận thấy đã có tình trạng gia tăng số ca bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nguy cơ tự tử, hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và mất ngủ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Trong số này, ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp vì giãn cách, phong tỏa, còn có nguyên nhân vì nhiều người lo sợ bản thân họ nhiễm bệnh hoặc lây bệnh cho những người thân.
Đài ABC cũng dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các nhà tâm lý học Australia cho biết, 83% các chuyên gia tâm lý học tham gia khảo sát cho biết khách hàng của họ đều lo lắng, trầm cảm và buồn bã hơn trong các đợt phong tỏa. Nghiên cứu ở các nước như Bỉ, Pháp, Mỹ cho thấy 30 - 80% người trẻ từ 15 - 24 tuổi có thể bị trầm cảm sau dịch bệnh. Ngoài ra, mất việc làm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng trầm cảm, lo âu và đau khổ. Các cuộc khảo sát cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát, thành viên trong các hộ gia đình bị mất việc có tỷ lệ rối loạn tinh thần cao hơn so với những hộ gia đình khác. Những biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh của chính quyền cũng là các yếu tố gây căng thẳng đối với người dân.
Tại nhiều gia đình, cả cha mẹ và con cái đều trải qua tình trạng sức khỏe tinh thần tồi tệ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhiều cha mẹ lo lắng cho sức khỏe, sinh hoạt và học tập của con cái đặc biệt là người mẹ khi trường học đóng cửa, trẻ em không có người trông coi. Việc cách ly tại nhà không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.
Stress, sang chấn tâm lý, thậm chí trầm cảm và bỏ việc là hậu qủa của những áp lực tinh thần mà nhân viên y tế phải chịu đựng trong đại dịch
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 còn gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch. Theo Reuters, một cuộc khảo sát được Tiến sĩ Huseyin Bayazit thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của hơn 1.800 nhân viên y tế vào năm 2020 chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc PTSD là 49,5% đối với các nhân viên y tế thông thường và 36% ở các bác sỹ. Tỷ lệ mang ý định tự tử ở những người này cũng tăng lên khi họ dành nhiều thời gian chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 hơn.
Bức tranh toàn cảnh về ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe tâm thần còn được thể hiện rõ hơn ở Ấn Độ, nơi bùng phát khủng khiếp của làn sóng COVID-19 vào tháng 5 vừa qua khiến hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của nước này gần như “sụp đổ”. Các ca lây nhiễm tăng cao đã gây nên sự lo âu, căng thẳng triền miên cho người dân nói chung cũng như các nhân viên y tế. Tình trạng tổn thương tinh thần của đội ngũ y bác sỹ rất đáng quan ngại song chưa được tìm hiểu đầy đủ.
Các cuộc khảo sát ở Ấn Độ cho thấy, nhân viên y tế, điều dưỡng viên bị tác động tâm lý đáng kể trước những đau đớn, mất mát mà họ chứng kiến hàng ngày. Cường độ làm việc kéo dài, không được nghỉ ngơi là khó khăn trong việc đương đầu với nguy cơ lây nhiễm của bản thân cũng như những mất mát của đồng nghiệp. Một nửa (50%) số nhân viên y tế cho biết bị trầm cảm ở thể vừa hoặc nhẹ, trong khi 14% bác sỹ và 16% y tá, hộ lý trải qua hội chứng trầm cảm nặng.
Viện Y tế toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo rằng, các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra có thể là đại dịch tiếp theo nếu con người không kịp thời can thiệp. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định "Sức khỏe tâm thần tốt là nền tảng cơ bản cho sức khỏe tổng thể và hạnh phúc”. Điều đó cho thấy các chính phủ cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cả trong và sau đại dịch.
Bình luận của bạn