Đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán sắp tới

Đảm bảo phòng dịch COVID-19 và an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: Báo Nhân dân

Thay đổi thói quen, lễ Tết an toàn

Doanh nghiệp chủ động sản xuất an toàn trong đại dịch

Cần hiểu rõ hơn về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) dịp cuối năm

Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt cá, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; Đồng thời nguy cơ hàng giả, hàng nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng… tràn ra thị trường cũng tăng lên.

Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP vừa có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 từ 20/12 năm nay đến hết 12/3/2022 trên phạm vi cả nước. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, mục tiêu của kế hoạch bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022 là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm…

Nhu cầu bánh mứt tăng cao trong dịp cuối năm và đầu năm mới

Nhu cầu bánh mứt tăng cao trong dịp cuối năm và đầu năm mới

“Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. Các cá nhân, cơ sở vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trước ngày 5/1.

Tại địa phương, ban sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường từ 5/1 đến 12/3. Hàng tuần sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Trở thành người tiêu dùng thông thái

Để phối hợp với nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần chủ động mua sắm thực phẩm an toàn trong dịp cuối năm. Người dân cần tránh mua và sử dụng sản phẩm "3 không": Không nhãn mác; Không ngày sản xuất và Không hạn sử dụng.

Ví dụ, thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung: Tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất chế biến, có số đǎng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

Các loại hạt hạch, hạt có dầu là mặt hàng được săn đón trong dịp cuối năm. Người tiêu dùng thông thái cần đề phòng các dấu hiệu như mốc, bởi các loại hạt mốc thường chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua sắm online. Các mặt hàng bánh kẹo "handmade", thực phẩm đóng gói sẵn được rao bán trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm qua mạng trên những website thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương. Bạn cũng nên thử kiểm chứng được thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh trước khi lựa chọn mua thực phẩm trên mạng.

Sử dụng rượu bia là nhu cầu không thể thiếu trong các buổi tụ họp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, lạm dụng đồ uống có cồn hoặc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm (rượu pha cồn công nghiệp, rượu thuốc tự ngâm) sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu. Hậu quả nghiêm trọng hơn là tổn thương gan và ruột, xơ gan, ung thư gan, loạn thần… Các gia đình cần sử dụng rượu bia có trách nhiệm, bỏ tâm lý cả nể, sỹ diện trên bàn nhậu.

Tỉnh táo lựa chọn thực phẩm chức năng

Nhiều dược liệu, thực phẩm chức năng được săn đón trong dịp Tết Nguyên đán

Nhiều dược liệu, thực phẩm chức năng được săn đón trong dịp Tết Nguyên đán

Những năm gần đây, thực phẩm chức năng là mặt hàng được lựa chọn làm quà Tết phổ biến. Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến người dân quan tâm hơn đến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, thị trường thực phẩm chức năng hiện còn tồn tại không ít hàng giả, hàng kém chất lượng, được quảng cáo sai sự thật.

Cục An toàn thực phẩm và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khuyến cáo, người dân không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không được công bố theo quy định của pháp luật.

Theo PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Thực phẩm chức năng Việt Nam, để dùng đúng thực phẩm chức năng, trước hết người tiêu dùng cần hiểu chính xác rằng thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng để chữa trị bất kỳ một loại bệnh nào. Người tiêu dùng nên thận trọng với những lời quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe "xách tay" có tác dụng như “thần dược”.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn