Để giảm tình trạng trẻ tử vong do đuối nước


Phía sau niềm vui tuổi thơ là hiểm họa rình rập


Hiểm họa hàng ngày

Tai nạn đuối nước gia tăng - nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ - đang thực sự gây lo lắng và bức xúc trong cộng đồng. Cơ quan chức năng đã cảnh báo, ngày nào tại Việt Nam cũng có một vài trẻ tử vong hoặc tổn thương sức khỏe nghiêm trọng do đuối nước gây ra. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịp hè bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận cấp cứu trẻ nhỏ bị đuối nước. Mới đây nhất, các y bác sĩ của khoa vừa cứu sống bé trai 2 tuổi (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị đuối nước, được đưa tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái, nhịp tim đập nhanh, co giật. “Cháu bé này bị ngã xuống ao khi đang chơi đùa, rất may gia đình kịp thời phát hiện đưa lên bờ, nếu không chỉ chậm vài phút thì khó có thể cứu được...”, BS Dũng chia sẻ.

Theo đánh giá của cơ quan y tế, trong số các tai nạn thương tích thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ và cũng là tai nạn có nhiều trẻ mắc nhất. Mới đây, trong lễ phát động về phòng chống đuối nước ở trẻ em, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH đã nhận xét, thương tích ở trẻ em tại nước ta đang rất báo động, đặc biệt là đuối nước. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ em và vị thành niên tử vong do đuối nước và tình trạng này luôn tăng cao vào mỗi dịp hè. Chỉ riêng trong năm qua, Việt Nam xảy ra hơn 3.000 ca tử vong có liên quan tới... “hà bá”. Thực trạng này đã khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển.


Người lớn chủ quan - trẻ nhỏ mất mạng


Việc quan trọng nhất khi trẻ bị đuối nước là phải được sơ cứu nhanh chóng, đúng phương pháp để khai thông đường thở


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước nhưng phần lớn vẫn do sự lơ là, chủ quan của người lớn đối với hoạt động vui chơi, bơi lội của trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết, có trên 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Nghiêm trọng hơn, đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ nhỏ tử vong do không may sa chân xuống các hố, cống của một số công trình xây dựng, nguyên nhân chính là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn. Nhiều địa phương với điều kiện tự nhiên có nhiều sông, suối, ao, hồ, kênh rạch cũng là môi trường không an toàn cho trẻ. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hầu hết trẻ tử vong do đuối nước đều dưới 5 tuổi và thường do bị ngã xuống nước từ trên nhà, trên thuyền hoặc cầu tàu. Còn khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phần lớn trẻ bị đuối nước trên 6 tuổi, gặp nạn khi đang chơi gần hoặc trong hồ hay suối sâu. Ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, đuối nước trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau xảy ra quanh năm. Nguyên nhân do khu vực có nhiều vùng chiêm trũng, ao đầm, sông ngòi liền sát với khu dân cư, nhiều nhà có ao liền với sân và vườn. Trong khi phần lớn đầm, hồ, ao không có rào chắn, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, còn người lớn bất cẩn không giám sát chặt chẽ. Các cuộc khảo sát cũng cảnh báo có đến 84% số trẻ bị đuối nước do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ... thiếu rào chắn an toàn và trên 40% trẻ tử vong do không được trang bị áo phao và thiết bị cứu hộ khi đi trên các phương tiện đường thủy.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp cho rằng, trong cuộc chiến với nạn đuối nước ở trẻ em thì gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu. Các em nhỏ cần được quan tâm, chăm sóc của gia đình, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng nông thôn, nơi có nhiều ao hồ nguy hiểm, cần phải dạy và tập cho các em những kiến thức bơi lội an toàn.

Dưới góc độ của một chuyên gia y tế, BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, việc quan trọng nhất khi trẻ bị đuối nước là phải được sơ cứu nhanh chóng, đúng phương pháp để khai thông đường thở, kiểm tra mũi, miệng trẻ xem có dị vật hay không. Đồng thời dùng các thủ thuật hô hấp nhân tạo, đẩy nước ra ngoài và lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi lẽ, việc chậm trễ hoặc xử trí không đúng cách đối với nạn nhân đuối nước có thể khiến nạn nhân tử vong hoặc bị di chứng não do tình trạng ngạt nước gây ra.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ