Đề phòng suy tuyến giáp "trà trộn" với các dấu hiệu tuổi già

Suy tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết hết sức quan trọng của cơ thể. Tuyến này nằm ngay phía trước cổ, có hai thùy bên phải và thùy bên trái, với trọng lượng khoảng 20 gram.

Tuyến giáp tiết ra các hormon thyroxine (T4) và tri-iodothyronine (T3) có vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chuyển hóa của cơ thể như tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng và phát dục, kích thích tim co bóp, tăng chuyển hóa tạo thân nhiệt, kích thích hoạt động của hệ thần kinh…

Suy tuyến giáp ở người già 1

Khi tuyến giáp bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn chức năng, các hormon sản xuất ra quá ít nội tiết tố, không đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa, các bệnh tim mạch, nội tiết, tâm thần. Hậu quả của các rối loạn này là làm suy giảm sức khỏe và chất lượng sống.

Theo ước tính, số người già bị suy tuyến giáp chiếm từ 5 - 20% ở nữ giới và từ 3 - 8% ở nam. Con số này gia tăng theo độ tuổi và trong nhiều trường hợp, suy tuyến giáp bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý chung chung như suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh hoặc không có điều kiện xét nghiệm để xác định một cách rõ ràng các mức độ của suy tuyến giáp.

Nguyên nhân gây suy tuyến giáp ở người già

Có nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm chức năng tuyến giáp ở người già. Suy tuyến giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất. Đây là một bệnh có tính chất tự miễn dịch hay cơ thể tự sản xuất ra kháng thể kháng lại các tế bào tuyến giáp. Bệnh này có thể xuất hiện sau một nhiễm vi khuẩn hoặc virut và trong nhiều trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ hai cũng rất hay gặp đó là suy tuyến giáp do dùng thuốc kháng giáp tổng hợp ở những bệnh nhân bị cường tuyến giáp. Thuốc kháng giáp trạng có tác dụng khống chế việc sản xuất quá nhiều hormon tuyến giáp ở những bệnh nhân cường giáp nhưng nếu dùng quá liều và không được kiểm soát lại có thể gây suy tuyến giáp.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp một phần hoặc toàn bộ trong bệnh basedow hoặc ung thư tuyến giáp… cũng là nguyên nhân gây suy tuyến giáp. Xạ trị vùng đầu mặt cổ (như trong bệnh ung thư vòm họng) có thể làm tuyến giáp bị tổn thương và dẫn đến suy giảm chức năng. Tuyến giáp cũng có thể bị suy giảm chức năng khi dùng một số thuốc như amiodarone, lithium, interferon… kéo dài hoặc quá liều.

Ngoài ra, chế độ ăn thiếu iod kéo dài có thể gây suy tuyến giáp, trái lại việc đưa quá nhiều iod vào cơ thể lại cũng làm tuyến giáp bị giảm chức năng. Tuyến giáp hoạt động được là nhờ hormon kích giáp tố do tuyến yên sản xuất ra nên khi lượng kích giáp tố bị suy giảm do suy tuyến yên (do ung thư, do bệnh mạch máu…) thì tuyến giáp cũng bị suy theo và lượng hormon tiết ra sẽ giảm. Ngoài ra, suy tuyến giáp ở người già cũng gặp ở bệnh nhân xơ cứng bì, bệnh amyloidosis hoặc một số trường hợp bệnh lý khác gây tổn thương tuyến giáp.

Biểu hiện âm thầm

Biểu hiện của suy tuyến giáp ở người già thường kín đáo do tuyến giáp bị suy giảm từ từ nên triệu chứng không rầm rộ và thường lẫn với các biểu hiện khác hay có ở tuổi già như ăn uống kém, mệt mỏi, hay quên…

Do chuyển hóa cơ bản giảm nên bệnh nhân luôn có cảm giác ớn lạnh, sợ lạnh, chịu lạnh kém. Táo bón là triệu chứng hay gặp và nhiều khi là biểu hiện duy nhất gợi ý bệnh nhân bị suy tuyến giáp. Các dấu hiệu khác của suy giáp cũng thường có tuy ít rõ rệt hơn ở người trẻ như phù niêm mặt trước xương chày, da khô, rụng tóc, huyết áp thấp, mạch chậm, khàn giọng, đau mỏi cơ, cứng khớp, tăng cân, cholesterol máu tăng cao. Bên cạnh đó, suy tuyến giáp cũng là nguyên nhân gây suy tim và các bệnh lý thần kinh ngoại biên ở người cao tuổi. Nói chung, bệnh cảnh suy tuyến giáp ở người cao tuổi ít rầm rộ và nhiều khi khó phát hiện hơn ở người trẻ.


Khám bướu cổ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết TW. Ảnh: Khánh Linh

Điều trị thế nào?

Khi đã xác định được tình trạng suy tuyến giáp ở người già, liệu pháp cơ bản là cho bệnh nhân dùng hormon tuyến giáp thay thế. Loại hormon tổng hợp thường được dùng là levothyroxine. Nếu suy tuyến giáp có nguyên nhân do tuyến yên suy giảm tiết chất kích giáp tố như u tuyến yên, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật kết hợp với dùng levothyroxine. Dừng các thuốc gây suy tuyến giáp nếu nghi ngờ suy tuyến giáp do thuốc. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ khác có thể được xem xét như cho thuốc chống táo bón, cân bằng chế độ dinh dưỡng… để giúp bệnh nhân chóng hồi phục.

Để phát hiện sớm suy giáp, người cao tuổi cần đi khám bệnh thường xuyên theo định kỳ hoặc khi có bất cứ biểu hiện nghi ngờ nào.

Hôn mê do suy tuyến giáp là một biến chứng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Hôn mê do suy giáp thường xảy ra ở người cao tuổi (trên 60), có tiền sử suy chức năng tuyến giáp lâu ngày, nhất là khi có sử dụng một số thuốc giảm đau, chống trầm cảm, các thuốc gây tê, gây mê.

Biểu hiện lâm sàng chính là giảm thân nhiệt; trụy tim mạch, hạ natri máu nặng và đặc biệt bệnh nhân có các biểu hiện của đường hô hấp như thở chậm, khò khè, có thể có rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, tăng C02. Đây là hậu quả của bệnh lý phù niêm của đường hô hấp. Vì vậy, bệnh suy giáp nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa, các bệnh tim mạch, nội tiết, tâm thần. Hậu quả của các rối loạn này là làm tình trạng suy giảm sức khỏe, suy giảm chất lượng sống. Nếu suy giáp được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng và tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già