Dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh ở Nam Á và Đông Nam Á

Nhân viên CDC đang phun thuốc muỗi tại một khu vực dân cư theo chính sách của chính quyền thành phố trong việc ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết tại Đài Loan - Ảnh: CNA.

Nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất ở Bangladesh

Dòng chảy Sức khoẻ+: Người thứ 4 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội

Dòng chảy Sức khoẻ+: Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan mạnh ở nhiều nước

Tại Nam Á, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tổng cộng có khoảng 206.288 ca sốt xuất huyết được ghi nhận ở Bangladesh tính từ 1/1 - 1/10/2023. Con số tử vong cao kỷ lục 1.006 người gần như gấp 4 lần tổng số ca tử vong vì bệnh này trong cả năm ngoái. Trẻ em từ 15 tuổi trở xuống chiếm 18% số ca nhiễm và 11% số ca tử vong.

Bangladesh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Các đợt bùng phát sốt xuất huyết ở Bangladesh, vốn thường xảy ra ở các khu đô thị đông dân cư, nay đã lan rộng khắp cả nước trong năm nay.

Điều bất thường là những năm trước, các ca bệnh ở Bangladesh thường gia tăng trong mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng làn sóng năm nay bắt đầu vào cuối tháng 4. Các chuyên gia cho rằng, thời tiết nắng nóng cực đoan và mưa lớn gia tăng đã tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.

Trong khi đó, khu vực Đông Á cũng chứng kiến đợt bùng phát sốt xuất huyết quy mô lớn kể từ tháng 6 năm nay tại quốc gia Đài Loan (Trung Quốc), với số ca tăng mạnh ở phía Nam. Theo Bộ Y tế Đài Loan, tính đến ngày 6/11, số ca mắc bệnh ở quốc đảo này là 21.900 ca, đánh dấu đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn thứ hai trong 10 năm qua, sau hơn 40.000 ca nhiễm từng được ghi nhận trong năm 2015, trong khi chỉ có 20 ca được ghi nhận vào năm 2022, theo Nikkei Asia.

Cơ quan y tế sở tại cho rằng nhiệt độ nắng nóng bất thường và việc nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch kể từ mùa Thu năm ngoái có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết được treo tại một khu trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Ken Kobayashi/Nikkei Asia

Chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết được treo tại một khu trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Ken Kobayashi/Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, tại Đông Nam Á, nơi hứng nhiều chịu đợt nắng nóng diện rộng trong mùa Hè vừa qua, Thái Lan ghi nhận khoảng 127.000 ca nhiễm bệnh từ đầu năm đến đầu tháng 11, tăng gấp 3,4 lần con số của năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời kỳ này, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở Malaysia tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 100.000 ca.

Tại Việt Nam, riêng thủ đô Hà Nội đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết vượt quá 28.500 ca, gấp khoảng 2,7 lần con số của một năm trước đó, gây căng thẳng cho hệ thống y tế toàn thành phố. Các quan chức y tế đã cảnh báo các bệnh viện vào tháng 10 phải thực hiện các biện pháp chống muỗi.

Nhiều ý kiến quan ngại rằng dịch sốt xuất huyết ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới, chủ yếu là do hoạt động đi lại xuyên biên giới khi nhiều nước nối lại hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19. Cũng có quan ngại cho rằng dịch sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước đang chịu ảnh hưởng.

Trước đây, bệnh sốt xuất huyết từng được coi là một căn bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều khu vực khác trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, đã ghi nhận ca mắc bệnh này.

Một số chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi nói trên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thế giới đã ghi nhận 4,2 triệu ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2022, cao gấp 8 lần so với số liệu của năm 2000.

Bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, đau đầu, nôn, đau cơ và trong trường hợp nguy hiểm nhất gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.

Theo Nikkei Asia, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Nhật Bản Takeda sản xuất đã được phê duyệt sử dụng ở Thái Lan, Indonesia, Liên minh Châu Âu và một số nước khác. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới chưa thể tiếp cận được vaccine phòng bệnh này. Do đó, biện pháp ngăn chặn chính vẫn là tránh bị muỗi đốt.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Nikkei Asia)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn