Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một thiết bị có thể sẽ là bước ngoặt trong việc điều trị đột quỵ - Ảnh: Fortune.
Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông?
Nguyên nhân hình thành cục máu đông: Hiểu để chủ động phòng ngừa!
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
Có giải pháp nào làm tan cục máu đông?
Theo Fortune, trong suốt những thập kỷ qua, dù y học đã có nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ, nhưng việc loại bỏ cục máu đông đặc biệt lớn hoặc dính chặt vẫn là thách thức. Các kỹ thuật hiện tại như hút hay lấy cục máu đông bằng stent không hiệu quả trong nhiều trường hợp, thậm chí có thể khiến cục máu đông vỡ ra, tạo mảnh vụn di chuyển sâu hơn trong não và gây tổn thương mới.
Phần lớn các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, với cục máu đông chặn dòng oxy đến não, nên việc nhanh chóng loại bỏ cục máu đông là điều rất quan trọng, bất kể cục máu đông lớn hay nhỏ, đặc hay loãng.
Một thiết bị mới có tên gọi milli-spinner do nhóm kỹ sư tại Đại học Stanford (Mỹ) phát triển cho thấy nhiều triển vọng. Đây là ống rỗng cực nhỏ có cánh quay, khe hở, khi hoạt động sẽ nén và thu nhỏ cục máu đông, giúp lấy ra dễ dàng hơn. Qua các thí nghiệm, thiết bị này đã cho thấy khả năng nén và thu nhỏ cục máu đông một cách đáng kể, giúp việc loại bỏ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Greg Albers, giám đốc Trung tâm đột quỵ của Đại học Stanford và là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này, cho biết: "Điều này có khả năng thay đổi cuộc chơi trong điều trị đột quỵ". "Kết quả có thể chuyển thành các thử nghiệm lâm sàng".
Trong một bài báo công bố hôm 4/6 trên tạp chí khoa học Nature (Anh), thiết bị milli-spinner đã cho thấy khả năng làm nhỏ cục máu đông tới 95% qua các thí nghiệm mô phỏng. Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận thiết bị mới đạt hiệu quả gấp đôi các công nghệ hiện tại trong việc mở lại động mạch và gấp 4 lần trong các ca cục máu đông khó xử lý nhất.
Tiến sĩ Jeremy Heit, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh thần kinh và Can thiệp thần kinh tại Stanford và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết, thiết bị hoạt động trong vài giây và có thể hút cục máu đông nhỏ gọn qua ống thông một cách nhanh chóng, theo Fortune.
Theo các chuyên gia, hiện nay tỷ lệ lấy cục máu đông thành công ngay từ lần đầu tiên với thiết bị cơ học chỉ dưới 50%, và khoảng 15% trường hợp thất bại.
Trong khi đó, milli-spinner giúp mở lại mạch máu thành công trong lần đầu tiên ở hơn 90% trường hợp khi thử nghiệm trên mô hình động mạch não, gần như đạt tỷ lệ tuyệt đối trong hơn 500 ca thử nghiệm.
"Nếu kết quả này được tái hiện ở thử nghiệm lâm sàng, thiết bị có thể cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm và giảm đáng kể khuyết tật lâu dài do đột quỵ gây ra", Tiến sĩ Heit cho biết.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, vẫn còn cần thực hiện nhiều thử nghiệm quy mô lớn hơn. Nếu kết quả đạt được gần giống như các thử nghiệm mô phỏng, nó có thể làm thay đổi hướng điều trị bệnh đột quỵ.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ năm tại Mỹ, với khoảng 160.000 ca tử vong trong số gần 800.000 trường hợp mỗi năm. Khoảng 90% ca là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi cục máu đông làm tắc dòng máu lên não. Mỗi phút trôi qua không được điều trị, người bệnh mất trung bình 1,9 triệu tế bào thần kinh và gần một tuần khả năng sống độc lập.
Bình luận của bạn