Tìm ra nguyên nhân làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Tỷ lệ mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ trên toàn cầu đang gia tăng đáng lo ngại - Ảnh: Northwell Heath.

Nắng nóng kéo dài, làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?

Hội chứng Down liên quan đến nguy cơ đột quỵ sớm khi về già

6 loại thực phẩm nên ăn để ngừa nguy cơ đột quỵ

Podcast: Nguy cơ đột quỵ do lạm dụng thuốc tránh thai

Theo Medical Express, IDA là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu. Tình trạng này là kết quả của tình trạng thiếu sắt, khi không có đủ lượng sắt dự trữ để hỗ trợ sản xuất các tế bào hồng cầu.

IDA ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ hơn nam giới do hai yếu tố chính: mất máu thường xuyên qua kinh nguyệt và nhu cầu sắt tăng cao trong thai kỳ. Mất máu qua kinh nguyệt làm giảm lượng sắt trong cơ thể, trong khi thai kỳ đòi hỏi lượng sắt lớn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và tăng trưởng hồng cầu. Thiếu máu ở mẹ có thể khiến trẻ bị khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn thiếu chú ý/tăng động.

Hiện nay ước tính có 10%–15% trong số tất cả các ca đột quỵ xảy ra ở người lớn trong độ tuổi từ 18–50, một nhóm cũng có tỷ lệ mắc IDA cao hơn. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu được thu thập về mối liên hệ giữa IDA và đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ y khoa Jahnavi Gollamudi, từ Đại học Cincinnati (Mỹ) cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên khám phá tác động của thiếu máu do thiếu sắt đối với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm người trẻ tuổi vốn dễ bị thiếu máu nhất.

Các nhà nghiên cứu đã phân loại bệnh nhân thành hai nhóm: những người được chẩn đoán đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần đầu được định nghĩa là Nhóm A và những người không có tiền sử đột quỵ do thiếu máu cục bộ được định nghĩa là Nhóm B. Sau đó, họ phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 21 triệu người tham gia trong độ tuổi từ 15 - 50, từ hơn 300 bệnh viện ở Mỹ.

Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tăng tiểu cầu, ác tính, rung nhĩ, hội chứng kháng phospholipid, tiền sử đột quỵ, mang thai, bệnh hemoglobin bao gồm đặc điểm hồng cầu hình liềm, sử dụng thuốc tránh thai kết hợp, bệnh huyết khối, béo phì và sử dụng thuốc chống đông một năm trước khi đột quỵ khởi phát đã bị loại trừ.

Kết quả đã phát hiện thiếu máu do thiếu sắt làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ tuổi.

Cụ thể, ở những người từng bị đột quỵ, tỷ lệ bị thiếu máu do thiếu sắt cao một cách đáng ngạc nhiên - gấp 5 lần so với người không bị đột quỵ.

Đáng chú ý, người bị thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn đến 39% so với người không bị thiếu máu do thiếu sắt, theo Medical Express.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu lưu ý đến các yếu tố bên ngoài có thể xảy ra, chẳng hạn như chế độ ăn uống dinh dưỡng và ít đi khám sức khỏe định kỳ, có thể dẫn đến tăng các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch và IDA.

Tiến sĩ Gollamudi kết luận: Tóm lại, kết quả đã chứng minh thiếu máu do thiếu sắt có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ. Với tỷ lệ mắc IDA cao trong nhóm dân số này, cần có một chiến lược sàng lọc hiệu quả để giảm thiểu các biến chứng sau này.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí eJHaem.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Medical Express)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch