DS. Nguyễn Văn Luận: "Ngành TPCN nhiều thay đổi, lắm thách thức!"

Thực phẩm chức năng - mũi nhọn của kinh tế - y tế Việt Nam

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: Nhiệm kỳ mới - Tầm nhìn mới

PGS.TS Trần Đáng: “Ngành Thực phẩm chức năng cần cập nhật với thế giới”

Các ĐBQH tham quan Viện Thực phẩm chức năng (VIDS)

Thưa DS. Nguyễn Văn Luận, Á Âu là một trong những doanh nghiệp đã đồng hành cùng với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam từ khi thành lập. Ông đánh giá thế nào về vai trò và những đóng góp của Hiệp hội với sự phát triển của ngành?

Có thể khẳng định, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam có đóng góp to lớn trong sự phát triển của ngành thực phẩm chức năng. Tựu trung lại ở 3 chữ thôi: Thứ nhất là hỗ trợ; Thứ hai là kết nối; Thứ ba là phản biện.

Trước hết là đối với người tiêu dùng, Hiệp hội đã làm rất tốt công tác hỗ trợ truyền thông, để cho người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng thực phẩm chức năng, đã làm tốt là giúp cho người tiêu dùng có thêm niềm tin yêu đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, đặc biệt của xuất xứ từ Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng làm rất tốt vai trò thứ nhất là hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp. Thứ hai, Hiệp hội kết nối các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm chức năng ở Việt Nam với nhau để họ có thể học hỏi lẫn nhau và rút kinh nghiệm, cùng phát triển. Các doanh nghiệp trong nước cũng được kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại. Kết nối thứ ba là giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thực phẩm chức năng, cụ thể đây là Cục An toàn thực phẩm và Bộ Y tế, giúp phía doanh nghiệp và phía cơ quan quản lý nhà nước gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và hỗ trợ nhau tốt hơn trong thực thi các quy định về TPCN.

DS. Nguyễn Văn Luận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu khẳng định Hiệp hội đã làm rất tốt vai trò hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp - Ảnh: Nguyễn Hiệp/Sức khỏe+

DS. Nguyễn Văn Luận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu khẳng định Hiệp hội đã làm rất tốt vai trò hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp - Ảnh: Nguyễn Hiệp/Sức khỏe+

Hiệp hội đã làm rất tốt vai trò phản biện giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đã tập hợp được một nguồn tri thức mà tôi nghĩ là đáng tự hào, bao gồm các giáo sư, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực quản lý nhà nước tham gia vào Hiệp hội ngay từ những ngày đầu thành lập. Ngoài ra, còn có những giáo sư hàng đầu về lĩnh vực về y học hiện đại, y học cổ truyền, về dược học, về sinh học. Đó là những nguồn tri thức quý để Hiệp hội hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề hoạch định các chính sách và hoàn chỉnh những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng. Chức năng này của Hiệp hội đã giúp cho các chính sách, những văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước gần với thực tiễn hơn, có tính khả thi cao hơn. Trong suốt những năm qua, tôi cũng rất vui mừng vì Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) duy trì quan hệ cộng sinh, hai bên đều hỗ trợ lẫn nhau và cuối cùng giúp cho ngành TPCN ngày càng phát triển.

Là tổng giám đốc một công ty đã có nhiều năm hoạt động trong ngành TPCN, ông có nhận định thế nào về những thay đổi của ngành trong thời gian qua?

Ngành TPCN trong hơn 20 năm qua đã có những thay đổi rất lớn. Trước hết là về số lượng sản phẩm. Điều này có lẽ ai cũng thấy rồi. Nếu những năm 2000, số lượng thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường chỉ vài chục sản phẩm, số đơn vị sản xuất kinh doanh đếm đầu ngón tay, thì hiện giờ, đó là một con số lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam năm 2021, ngành TPCN Việt Nam hiện có hàng chục nghìn sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN đến con số hàng nghìn.

Đấy là về số lượng. Về chất lượng, cá nhân tôi có theo dõi, 20 năm về trước, khi tôi đi nước ngoài thì một trong những thú vui của tôi là tìm các cửa hàng ở Nhật, Anh, Mỹ, Pháp… để mua TPCN về dùng. Số lượng người Việt vào các shop TPCN đó mua hàng cùng tôi cũng khá đông. Nhưng gần đây tôi nhận thấy, người dân mình hầu như không mua nhiều sản phẩm TPCN từ nước ngoài nữa. Có lẽ là ở Việt Nam có đủ hết rồi.

Bên cạnh đó chất lượng của các sản phẩm TPCN ở Việt Nam đã tốt hơn. Tôi nghĩ, không phải là do vấn đề về công nghệ đâu, công nghệ sản xuất ở các nước đương nhiên hiện đại hơn ở Việt Nam, nhưng sản phẩm TPCN lại tốt hơn ở thành phần.

Phần lớn các sản phẩm TPCN ở Việt Nam đều sử dụng các thành phần có nguồn gốc thiên nhiên, thật hơn, gần gũi với thiên nhiên như cộng đồng hiện giờ vẫn hướng tới. Có một thực tế là, phần lớn các sản phẩm thực phẩm chức năng ở nước ngoài có thành phần chủ yếu là vitamin, muối khoáng vô cơ và các hợp chất sinh học chiết xuất ra từ dược liệu.

Trong khi đó, các sản phẩm TPCN ở Việt Nam đều dùng cao dược liệu. Dược liệu khác so với những hoạt chất mà chúng ta chiết xuất ra, bởi chúng là hợp chất hữu cơ thân thiện cơ thể hơn. Ngoài ra, trong cao dược liệu không phải chỉ có một chất sinh học duy nhất. Ví dụ, trong hoàng bá không phải chỉ có berberin. Nó còn có thể chứa hàng trăm hoạt chất sinh học, có lợi theo các hướng khác nhau. Đó là lý do mà tôi và nhiều người đánh giá chất lượng thực phẩm chức năng Việt Nam bây giờ đang thuộc diện tốt nhất.

TPCN Việt Nam sử dụng cao dược liệu với những hợp chất hữu cơ thân thiện cơ thể hơn

TPCN Việt Nam sử dụng cao dược liệu với những hợp chất hữu cơ thân thiện cơ thể hơn

Còn lĩnh vực khác như công nghệ cũng có nhiều bước tiến. Trước kia, chúng ta chiết xuất chỉ bằng cách nấu cao thôi. Còn bây giờ, chúng ta có rất nhiều công nghệ như CO2 siêu tới hạn (một công nghệ trích ly dùng cho các sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học cao). Bào chế cũng vậy, hiện giờ, chúng ta có thể áp dụng công nghệ nano, công nghệ liposome… trong các sản phẩm. Tất cả các yếu tố đó góp phần vào nâng cao chất lượng sản phẩm của TPCN Việt Nam

Ông đánh giá thế nào về vai trò trọng tâm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với sự phát triển của ngành?

Doanh nghiệp là trọng tâm, động lực cho ngành. Nếu điểm lại lịch sử 20 năm qua của thị trường dược phẩm Việt Nam, có thể nhận thấy ba sự chuyển dịch rất lớn và rất có lợi cho nền kinh tế và cho sức khỏe của người dân.

Thứ nhất là sự chuyển dịch từ tâm lý sính ngoại sang yêu thích dùng hàng "made in Việt Nam", thích dùng hàng sản xuất trong nước. Chuyển dịch thứ hai là chuyển dịch từ tâm lý thích thuốc tây, thích thuốc tân dược sang ưa thích các sản phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng. Thứ ba, từ tâm lý "mất bò mới lo làm chuồng", người dân đã chủ động phòng bệnh, dùng sản phẩm phòng bệnh từ lúc cơ thể ra còn khỏe.

Và đương nhiên, để có sự chuyển dịch này, ngoài chính sách của nhà nước, sự hỗ trợ về Hiệp hội Thực phẩm chức năng và cơ quan quản lý nhà nước, thì vai trò của các doanh nghiệp cũng là rất lớn. Á Âu tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong, góp phần cho ba sự chuyển dịch này, thông qua việc quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của mình để cho người dân tin dùng.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông có dự đoán nào về xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng trong tương lai? Các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để bắt kịp tốc độ phát triển trong thời gian tới?

Xu hướng sử dụng TPCN là một xu thế tất yếu bởi, ưu điểm của sản phẩm có nguồn gốc thảo dược là an toàn. Con người luôn muốn sống lâu, sống thọ, sống vui, sống khỏe hơn và đương nhiên người ta sẽ tìm tới những sản phẩm gì mà tốt nhất cho họ. Vì vậy, thực phẩm chức năng là xu hướng tất yếu.

Doanh nghiệp TPCN đương nhiên cũng gặp rất nhiều thách thức. Thứ nhất là về thị trường, cạnh tranh rất nhiều và sau này thì chắc chắn còn khốc liệt hơn bây giờ. Đó cũng là xu hướng tất yếu. Thách thức thứ hai đối với các doanh nghiệp đó là vấn đề quản lý nhà nước. Điều cần thiết là siết chặt toàn diện, đồng đều để tốt cho những doanh nghiệp uy tín, đi đầu. Nhưng nếu mà chúng ta chỉ làm chặt "mấy ông có tóc" thôi, mà không thể vươn tới được những công ty ngoài vòng quản lý kia, vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, uy tín và hình ảnh của ngành thực phẩm chức năng.

Với các thách thức đó, tôi nghĩ các doanh nghiệp thực phẩm chức năng nói chung và Á Âu nói riêng đều phải đổi mới, cập nhật nhiều hơn nữa những giải pháp kinh doanh linh hoạt. Đây là yếu tố giúp chúng ta phù hợp với thị trường, phù hợp với người tiêu dùng. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, bằng nhiều con đường khác nhau như thông qua Hiệp hội, các doanh nghiệp có thể đóng góp tiếng nói của mình để khuyến khích những hành vi tích cực, kiểm soát tốt những sản phẩm kém chất lượng hoặc những doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", lừa đảo. Như vậy mới đảm bảo thị trường thực phẩm chức năng phát triển một cách lành mạnh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

 
Nhóm PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện