Dùng thuốc kháng sinh không liều lượng: "Sai một ly đi một tuổi trẻ"

Dưới đây là chia sẻ trong thư của anh Trương Huy Cường tới tòa soạn suckhoecong.vn. Bài viết với tiêu đề:

“Tại sao cứ phải dùng thuốc kháng sinh?

Tại sao tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động như kết luận tại Hội nghị ngày 5/8 triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020? Theo tôi, một trong những nguyên nhân chủ yếu là người dân còn thiếu kiến thức về sức khỏe nói chung, chưa biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân và con cái mình.

Bản thân tôi cũng là một nạn nhân của việc sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ do thiếu hiểu biết. Mặc dù là một chàng trai rất khỏe mạnh, từ khi sinh ra cho đến lúc 19 tuổi tôi chưa bao giờ phải dùng một viên thuốc tây, chưa từng bị trích một mũi tiêm vào người bao giờ.

Tuy nhiên, kể từ khi tôi bị thoát vị đĩa đệm do bị ngã khi đá bóng vào năm 1997, cứ mỗi lần đau cột sống tôi lại uống thuốc tây về xương khớp. Tác dụng phụ của thuốc tây khiến chức năng gan, thận, đường tiêu hóa và hệ miễn dịch của tôi suy giảm nghiêm trọng, làm cho tôi thường xuyên bị xoang, viêm họng và bị đau dạ dày.


Thuốc kháng sinh là con dao hai lưỡi: Dùng đúng cách khỏi bệnh, dùng sai có thể nguy hiểm đến tính mạng

Khi tôi đi khám, các bác sỹ kết luận là tôi bị xoang và viêm họng mãn tính và phải chung sống với nó suốt đời. Cứ mỗi lần trái nắng trở trời hay uống nhiều nước lạnh, cái họng của tôi nó lại sưng lên, mũi lại chảy và tôi lại tự ra hiệu thuốc tây mua kháng sinh về uống.

Cứ như vậy từ năm 1997 đến năm 2010 tôi đã đưa vô số thuốc tây về xương khớp, thuốc kháng sinh vào cơ thể và chúng đã tàn phá và hành hạ cơ thể tôi. Nếu như không uống thuốc kháng sinh thì mỗi lần viêm họng hoặc xoang rất khó tự khỏi. Do lạm dụng thuốc tây khiến nền tảng sức khỏe của tôi đã suy giảm một cách trầm trọng.”

Lời tòa soạn suckhoecong.vn gửi tới bạn đọc: Những con số “biết nói” về tình trạng uống thuốc không liều lượng tại Việt Nam + Một khảo sát được thực hiện năm 2010 với gần 3.000 nhà thuốc ở cả nông thôn và thành thị ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh cũng như kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Dù có quy định nhưng phần lớn thuốc kháng sinh vẫn được bánmà không cần kê đơn với tỷ lệ 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn; tỷ lệ này ở thành thị là gần 50% ở thành thị và ở nông thôn là khoảng 29%.
+ Khảo sát 443 hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2012 cho thấy, chỉ có duy nhất một hồ sơ bệnh án sử dụng một loại kháng sinh, sử dụng 2 loại kháng sinh là 43 hồ sơ; trong khi đó nhiều nhất là sử dụng 3 loại, thậm chí có 34 hồ sơ bệnh án sử dụng đến hơn 6 loại kháng sinh trong một đơn thuốc.
+ Báo cáo của WHO cho biết tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể khiến 70%canhiễm trùng sơ sinh không được điều trị bằng kháng sinh và 67% ca tử vong do vi khuẩn kháng thuốc. Còn nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn tại Hà Nội, Hải Phòng,TPHCMcho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% khiến việc điều trị nhiều bệnh gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Không chỉ làm cho bệnh tật ngày càng thêm nặng, tăng tỷ lệ tử vong, kháng kháng sinh còn làm tăng gánh nặng bệnh, cũng như tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân và xã hội, bao gồm tăng chi phí chữa bệnh, thời gian điều trị dài hơn. “Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, nếu không hành động ngay hôm nay thì ngày mai không còn thuốc chữa”. Đó là khẩu hiệu WHO đã đưa ra nhằm cảnh báo về tác hại của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu.
CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp