Dược sỹ chia sẻ: F0 bị ho, đau rát họng phải làm sao mới hết?

Dược sỹ Lê Biên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc F0 tại nhà tới bạn bè, người thân

Vì sao F0 ho dai dẳng nhiều ngày không dứt?

F0 hết cảnh bị buộc phải cách ly trong phòng

Sau khỏi COVID-19 có nên kiêng “chuyện ấy”?

Tái nhiễm COVID-19 có thể dùng thuốc kháng virus Molnupiravir lần 2 không?

Ho, đau rát họng là triệu chứng khá điển hình ở những ngày đầu nhiễm COVID-19. Đặc biệt với chủng Omicron, virus tập trung nhiều ở đường hô hấp trên nên người bệnh hay gặp phải triệu chứng ho khan liên tục cùng với đau rát họng, ho trước cả khi phát hiện mình bị nhiễm virus.

Ho khan thường gặp ở một vài ngày đầu khởi phát bệnh, sau đó ho nhiều gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp trên cùng với tình trạng viêm và tăng xuất tiết gây bội nhiễm. Khi đó, ho nặng hơn, sâu hơn cùng với đờm quánh đặc khó khạc, nhổ. Đi cùng với ho là triệu chứng đau rát họng, thở hụt hơi, đau tức ngực, khó thở (cảm giác ngột ngạt) khiến cơ thể mệt mỏi.

Với F0 điều trị tại nhà, việc sử dụng thuốc ho tưởng dễ mà khó vì có rất nhiều loại thuốc giảm ho, long đờm khác nhau, trong khi đó mỗi loại lại có một tác dụng khác nhau, dùng vào giai đoạn khác nhau. Do đó, để điều trị ho hiệu quả cho các F0 điều trị tại nhà, người bệnh cũng cần có chút kiến thức về sử dụng thuốc phù hợp với mỗi giai đoạn bệnh - tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của các cơn ho. Một điểm đặc biệt của dịch COVID-19 là các triệu chứng ho diễn tiến có thể khác nhau mỗi ngày, vì thế thuốc hôm nay dùng phù hợp, nhưng có thể không phù hợp cho 2 hay 3 ngày kế tiếp.

Từ kinh nghiệm của minh, dược sỹ Lê Biên (Công ty Dược phẩm Đông Tây) đã đưa ra một vài lưu ý sau để mọi người có thể dùng thuốc an toàn, hiệu quả:

Giai đoạn đầu: Từ 1 - 3 ngày đầu (kể từ khi khởi phát)

Trong giai đoạn này, phản xạ ho được coi là có lợi cho cơ thể vì giúp cản trở virus xâm nhập xuống phế quản phổi. Tuy nhiên, nếu ho quá nhiều, bạn vẫn cần phải dùng thuốc để không gây tổn hại tới sức khỏe:

- Ho khan, thỉnh thoảng mới húng hắng ho: Không cần dùng thuốc, chỉ cần vệ sinh mũi họng tốt là được.

- Ho khan với tần suất dày: Uống các loại thuốc ho hoặc siro ho thảo dược để làm dịu ho và sát khuẩn họng. Trong trường hợp vẫn còn ho nhiều gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ, cần dùng thêm thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho.

F0 có thể dùng thuốc ho hoặc siro ho thảo dược để làm dịu cơn ho khan

F0 có thể dùng thuốc ho hoặc siro ho thảo dược để làm dịu cơn ho khan

- Ho không có hoặc chỉ có ít đờm loãng: Không nên dùng thuốc tiêu đờm hoặc các loại thuốc ức chế ho.

- Ho có đờm hoặc rất nhiều đờm nhưng đờm trắng, trong: Có thể dùng thuốc làm loãng đờm. Bạn nên chú ý dùng thuốc đúng liều, đúng chỉ định theo hướng dẫn của nhà sản xuất, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Lưu ý: Trong giai đoạn đầu này, triệu chứng ho là do phản ứng của cơ thể để chống lại virus, chưa có bội nhiễm nên tuyệt đối KHÔNG dùng thuốc kháng sinh cũng như Corticoid (trừ trường hợp người có bệnh nền được bác sỹ chỉ định dùng thuốc).

Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7

Giai đoạn này có thể có tình trạng bội nhiễm ở một số người hoặc phế quản bị sung huyết, phù nề do ho, khạc đờm nhiều. Do đó, điều trị ho ở giai đoạn này phức tạp hơn. F0 cần sử dụng thuốc theo các diễn biến bệnh và theo sát các triệu chứng. Cùng một loại thuốc, người này uống tốt, người khác uống chưa chắc đã tốt.

Điều trị ho ở giai đoạn này cần được cá thể hóa trên từng người bệnh. Một số gợi ý sử dụng thuốc như sau:

- Trường hợp ho do kích ứng, chưa bị bội nhiễm với triệu chứng như ho nhiều, kèm hắt hơi, sổ mũi hay ngạt mũi: Có thể xem xét dùng thêm thuốc uống kháng histamin hay còn gọi là thuốc chống dị ứng. Các thuốc này cũng giúp làm giảm nghẹt mũi.

 

Trong trường hợp nghẹt mũi nặng cần dùng thêm các loại nhỏ mũi giúp co mạch, giảm xung huyết mũi và làm thông thoáng đường thở, đồng thời ngăn ngừa dịch ứ đọng trong xoang gây viêm xoang hoặc viêm tai giữa (đau tai, tức hay nhói trong tai là dấu hiệu viêm tai giữa).

Lưu ý: Một số loại thuốc cảm cúm đã có phối hợp thêm thành phần kháng histamin, do đó bạn dùng các thuốc cảm cúm có thành phần này thì không cần dùng thêm thuốc kháng histamin nữa.

- Trường hợp ho do bội nhiễm (nhiễm khuẩn) thường đi kèm với các triệu chứng như ho có đờm đặc quánh, khạc đờm có màu vàng đục hoặc xanh, có kèm theo váng đầu, ngây ngấy sốt lúc chiều tối hoặc đêm, người mệt; Ho sâu trong lồng ngực (có kèm tức ngực hoặc không) sẽ cần dùng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sỹ.

- Trường hợp ho do co thắt phế quản với triệu chứng cơn ho dài (ho thành tràng, thành cơn), có nhiều đờm, khó thở (thở khò khè, thở rít), hơi thở ngắn, nặng ngực, người mệt mỏi sẽ thường xảy ra với những người có bệnh nền hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người có tiền sử dị ứng như chàm, mề đay, viêm mũi dị ứng…

Những trường hợp này có thể cần dùng tới thuốc giãn phế quản (dùng khí dung để hạn chế tăng nhịp tim) kết hợp với kháng sinh, kháng viêm Corticoid. Việc dùng các loại thuốc này cần có chỉ định của bác sỹ, người bệnh không tự ý dùng vì có thể gây rủi ro.

Lưu ý chung để giảm ho, đau rát họng cho F0 điều trị tại nhà trong tất cả các giai đoạn

Thường xuyên uống nước ấm cũng giúp làm loãng đờm, giảm đau họng

Thường xuyên uống nước ấm cũng giúp làm loãng đờm, giảm đau họng

- Thường xuyên uống nước ấm để làm loãng đờm, đồng thời làm ẩm niêm mạc đường hô hấp, làm giảm nguy cơ đông máu cũng như giúp điều hòa thân nhiệt, giúp cơ thể thải độc tốt hơn. Mỗi ngày, mỗi người cần tối thiểu 2 lít nước, nhưng khi bị COVID-19, lượng nước cần nhiều hơn. Trong tổng lượng nước uống mỗi ngày, bạn có thể dùng 0,5 lít nước để hãm cùng vài lát gừng tươi. Uống hỗn hợp này giúp làm ấm cơ thể và dễ tan đờm.

Lưu ý: Với người bệnh suy tim bị hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể nhưng vẫn cần uống nước ấm thường xuyên. Nên uống mỗi lần 1 ngụm nhỏ.

- Vệ sinh đường hô hấp nhiều lần trong ngày để giữ ẩm niêm mạc mũi, làm loãng dịch tiết và giữ đường thở thông thoáng, hạn chế viêm nhiễm. Theo đó, bạn có thể xịt mũi bằng nước muối biển từ 2 - 4 lần/ngày.

- Súc họng bằng nước muối ấm; Nước ấm pha mật ong và một vài giọt chanh tươi hoặc súc họng bằng nước ấm cho vài lát gừng tươi. Bạn nên cố gắng súc sâu trong cổ họng để làm sạch họng, giảm đờm nhớt. Nếu dùng mật ong, tốt nhất là bạn nên hấp cách thủy mật ong để khử vi nấm mốc - nhất là mật ong rừng nguyên chất. Cũng có thể chưng mật ong với gừng hay húng chanh, quất (tắc) để sẵn dùng cho tiện.

- F0 bị đau rát họng nên ăn 2 hộp sữa chua không đường/ngày. Nên chờ sữa chua hết lạnh mới ăn để làm dịu cơn đau, rát họng. Súc họng bằng mật ong cũng làm dịu tình trạng này.

- Tập thở bằng cơ bụng để tăng dung tích phổi và phục hồi đường thở, giảm hội chứng co thắt phế quản do gắng sức, phòng xơ hóa phổi hậu COVID-19.

Vi Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp