Chưa có thuốc làm tan mỡ
Trước hết là phosphatidylcholin, thuộc nhóm chất béo có tên phospholipid (tức chất béo có phosphor). Khi vào trong hệ tiêu hoá của ta, phần lớn phosphatidylcholin bị phân cắt thành cholin, axít béo tự do, và nhóm phosphat. Vì vậy, phosphatidylcholin được xem là chất cung cấp cholin - chất rất quan trọng tạo thành acetylcholin dẫn truyền thần kinh. Phosphatidylcholin là chất béo có nhiều ở lòng đỏ trứng gà, đậu nành. Còn trong cơ thể, nó có ở tế bào, đặc biệt là màng tế bào. Phosphatidylcholin đã được nghiên cứu trong lĩnh vực sức khoẻ. Thử trên chuột thí nghiệm bị làm nhiễm siêu vi viêm gan A, B và C, phosphatidylcholin cho thấy có thể sửa chữa tình trạng gan bị tổn thương nhưng không cho thấy tác dụng này trên người. Phosphatidylcholin được đồn đại có tác dụng phân huỷ tế bào mỡ (lipolysis), có thể dùng thay thế phương pháp hút mỡ nhưng không có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào chứng thực là tiêm phosphatidylcholin làm giảm mỡ, giảm cân. Phosphatidylcholin lại được cho rằng có thể tiêm với deoxycholat để giảm cân. Deoxycholat thực chất là muối mật (muối axít cholic) có trong mật giúp cơ thể hấp thu chất béo từ thức ăn. Deoxycholat được dùng chung với phosphatidylcholin nhằm giúp chất béo này hấp thu tốt hơn khi đưa vào cơ thể. Một thông tin cho rằng deoxycholat được tiêm với phosphatidylcholin dùng trong giải phẫu thẩm mỹ có tên mesotherapy. Mesotherapy là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng rộng rãi ở châu Âu để điều trị các tổn thương ở da bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào tầng trung bì với kim tiêm siêu nhỏ. Tuy nhiên, mesotherapy chỉ điều trị các tổn thương về da như: da lão hoá, nhão xệ, mỏng khô héo do thiếu nước, sắc tố khác thường đặc biệt là sắc tố nội tiết tố, hoặc giảm hiện tượng cằm đôi, thon gọn khuôn mặt, chứ hoàn toàn không làm tan mỡ để giảm cân.
Chất thứ hai được đồn đại là có thể chích để giảm cân là vitamin B12. Chích vitamin B12 làm giảm trọng lượng cơ thể được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hoá, giúp tiêu hao năng lượng. Điều này là sai, vitamin nói chung chỉ là các chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng. Người ta chích vitamin B12 vì thiếu vitamin này gây thiếu máu đặc biệt, gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Chích vitamin B12 có thể bị nguy hiểm vì dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ gây chết người.
Chất thứ ba được đồn đại tan mỡ khi tiêm trực tiếp là chế phẩm chứa ba loại enzym chính: cholin, inostiol và methionin, các enzym này ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan. Ba chất vừa kể mà gọi là enzym thì hoàn toàn sai. Vì cholin là chất có trong cơ thể hoặc đưa từ bên ngoài vào tạo thành acetylcholin, là chất dẫn truyền thần kinh đã kể ở trên, inositol là một loại đường đa (polyol chứa nhiều nhóm -OH), còn methonin là một axít amin. Ba chất vừa kể đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hoá mỡ nhưng còn làm tan mỡ đến độ giảm cân, chống béo phì thì chỉ là lời đồn.
Ăn kiêng siêng tập
Thông thường dư cân, béo phì là do ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đường bột, béo) nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao, năng lượng thừa biến thành mỡ gây dư cân, béo phì. Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến hai yếu tố: chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thể dục thích hợp. Có một số trường hợp béo phì bắt buộc dùng thuốc (thuốc được thừa nhận dùng trong điều trị hiện nay là orlistat, một thuốc khác trước đây cho dùng nhưng nay bị cấm vì gây hại quá nhiều là sibutramin) chứ không thể dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc chích nào đó mà giảm cân được. Chích thuốc giảm cân luôn là cách rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể, thậm chí là hiện tượng sốc phản vệ gây chết người. Những người có nhu cầu giảm cân tốt nhất nên đi khám ở bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp thích hợp và an toàn cho việc giảm cân.
Tháng 5.2009, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo ngưng dùng ngay chế phẩm giảm cân Hydroxycut vì gây tổn hại nặng nề cho gan. Sau đó, nhiều nước ngoài Mỹ đã cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng có chứa thuốc chống béo phì loại nguy hiểm đã bị cấm (như fenfluramin) hoặc chứa thuốc đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra)… |
Bình luận của bạn