Giảm cân và những hiểu lầm tai hại

Để giảm cân, cần phải nhịn đói. Là suy nghĩ phổ biến mà thoạt nghe thật là hợp lý. Tất nhiên khi nhịn ăn, năng lượng không đưa vào nữa thì cơ thể sẽ huy động năng lượng dự trữ từ mô mỡ, mô mỡ sẽ bị phân hủy để giải phóng năng lượng cho cơ thể tiếp tục sống.

Kết quả là mô mỡ sẽ giảm, cân nặng sẽ giảm. Khi tiêu hết mô mỡ thì cơ thể "bị đói", sẽ "ăn" tiếp mô cơ, tức là bắp thịt sẽ teo nhão, dẫn đến suy dinh dưỡng.


Tuy nhiên, sự tình không phải đơn giản như vậy. Khi cơ thể có cảm giác đói, bản năng sinh tồn trong con người sẽ trỗi dậy mạnh mẽ làm mờ cả lý trí, buộc phải đi tìm thức ăn, ăn thiệt nhiều, thiệt nhanh để bù lại sự thiếu thốn trước đó.

Kết quả, tổng lượng ăn vào có thể gia tăng hơn trước. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, những người kiềm chế ăn uống nhiều sẽ dễ bị mất kiểm soát trong ăn uống sau đó.

Nhịn ăn sáng. Để cắt giảm năng lượng nhập vào trong ngày, nhiều người bỏ bớt bữa ăn, chỉ ăn một hoặc hai bữa ăn chính trong ngày. Thường được cắt giảm là bữa ăn sáng.

Hậu quả là tới bữa trưa, đói cồn cào, ăn ngốn ngấu với số lượng thức ăn bằng cả hai bữa dồn lại. Rồi lại ăn thêm vào bữa tối. Hậu quả là tổng lượng ăn trong ngày không giảm, chỉ có khác là sự phân bổ bữa ăn nhẹ vào buổi sáng và nặng về bữa tối.

Ban ngày cần năng lượng để lao động, học tập thì không được đáp ứng, bữa tối sắp ngủ nghỉ thì lại nạp một lượng lớn năng lượng. Thế là cơ thể sẽ "để dành" số năng lượng này dưới dạng mỡ nên làm tăng cân.

Chỉ nên ăn dầu chứ không ăn mỡ. Mỡ động vật (trừ mỡ cá) có nhiều chất béo no và cholesterol, nếu dư sẽ không tốt cho sức khỏe, cần hạn chế ở mức độ thấp.

Dầu ăn chứa nhiều chất béo thiết yếu cho cơ thể, lợi cho tim mạch, vitamin A, vitamin E, không cholesterol, nên được khuyến cáo sử dụng trong nấu ăn.

Tuy nhiên, dầu hay mỡ đều cung cấp năng lượng cao (1gr béo cho 9 kcal) nên ăn nhiều dầu vẫn lên cân. Vậy mới có lời khuyên người không muốn lên cân thì nên ăn món hấp, luộc, hạn chế chiên, xào, quay.

Trái cây không làm tăng cân. Trái cây chứa nhiều nước và chất xơ nên năng lượng thường thấp. Tuy nhiên, một số loại trái cây có lượng đường khá cao, cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, nếu sử dụng quá nhiều.


Hơn nữa, chất đường trong trái cây không chỉ có fructose mà có khi có loại đường hấp thu nhanh là glucose, dùng nhiều có thể làm tăng đường huyết.

Ăn bưởi, thơm, khổ qua, uống giấm... có thể làm giảm cân. Nhiều người quan niệm ăn chua, ăn đắng cho tiêu mỡ. Thật ra ăn chất chua nhiều sẽ làm "tiêu" bao tử chứ lớp mỡ thì chẳng hề hấn gì.

Mỡ chỉ được sử dụng tạo năng lượng khi cơ thể vận động. Bưởi, khổ qua năng lượng thấp nên có thể ăn nhiều, giúp no do chứa nhiều nước và chất xơ. Riêng thơm và giấm thì không nên dùng nhiều vì có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa.

Uống nước ngọt mập hơn uống bia. Bạn có tin một lon bia 330ml chứa năng lượng tương đương 2/3 chén cơm trắng không? Có người một buổi tối nhậu 8-10 lon thì coi như đã ăn 6-7 chén cơm.

Nếu thi giữa một người uống bia và một người ăn cơm thì chắc người ăn cơm sẽ thua, vì khả năng nạp bia dễ dàng hơn. Một chai nước ngọt cung cấp năng lượng bằng nửa chén đến một chén cơm (tùy lượng đường và loại đường sử dụng).

Uống sữa gầy làm giảm béo. Sữa gầy là sữa nguyên kem được lấy đi thành phần chất béo để giảm cholesterol và giảm năng lượng, nhưng vẫn còn đủ thành phần bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất. Như vậy, sữa gầy không giúp cơ thể giảm lượng mỡ trực tiếp.

Sữa gầy được khuyến cáo sử dụng ở người thừa cân, béo phì, trẻ em trên 6 tuổi, do đây là loại thức ăn năng lượng không cao, giúp no và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là canxi để tăng chiều cao cho trẻ em và chống loãng xương ở người lớn.

Không ăn cơm, ăn vặt giảm cân tốt hơn. Nói vậy có khi đúng mà cũng có khi không, vì còn tùy vào món ăn vặt. Không ăn cơm mà ăn nhiều bún, bánh mì, bánh ướt, xôi, chè, kem, đậu hũ nước đường... thì sẽ càng tăng cân.

Món vặt nên chọn loại năng lượng thấp như trái cây ít ngọt, sữa không béo, không đường, canh rau, cải luộc...

Thức ăn Việt Nam không có chất béo. Nhiều người cho rằng do thức ăn Việt Nam quá ít chất béo nên người Việt ăn nhiều vẫn gầy so với người Âu - Mỹ.

Đó là do thức ăn Việt Nam trước đây trong bữa cơm gia đình hằng ngày chỉ có đậu hũ hoặc cá và rau, nhưng hiện nay thì đã có sự khác biệt rất nhiều, thịt thay cá, các món chiên, xào chế biến cầu kỳ và nhiều chất béo. Có thể nói vui là chế độ ăn của người Việt đã được "Tây hóa" nên năng lượng khá dồi dào.

Vì có tập thể dục, chơi thể thao nên có thể ăn uống thoải mái.
Đi bộ nhanh trong vòng 30 phút sẽ tiêu hao lượng năng lượng tương đương chưa tới nửa chén cơm trắng.

Vì vậy, nếu có tập thể dục thì có thể được ăn thêm một chút so với không tập thể dục, nhưng như vậy là đạt mục đích giữ cân chứ không phải giảm cân. Còn nếu tập thì cứ ăn thoải mái, chắc chắn tăng cân.


Giảm cân càng nhanh càng tốt. Khi quyết định giảm cân, ai cũng mong muốn sẽ giảm cân càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, để giảm cân nhanh, việc áp dụng chế độ ăn thấp năng lượng sẽ làm cơ thể mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.

Thường sẽ không thể duy trì lâu tình trạng này và rất nhiều người nản chí sẽ bỏ chế độ ăn kiêng, chấp nhận thất bại. Đã tăng cân trong nhiều tháng, nhiều năm, thì phải giảm cân dần dần trong chừng ấy thời gian.

Không kể những trường hợp đặc biệt, trung bình mỗi tuần giảm nửa ký hoặc một tháng giảm 2kg là mức giảm phù hợp và có thể duy trì lâu dài, vì vẫn có đủ năng lượng để vui khỏe và làm việc tốt, cơ thể không bị ép quá mức nên không "phản đối dữ dội" mà sẽ thích nghi dần.

Đi thẩm mỹ viện hút mỡ. Rồi mỡ cũng sẽ tái lập nhanh chóng nếu không ăn kiêng và gia tăng hoạt động thể lực.

Massage cho tan mỡ. Mỡ không tan đi đâu được vì nếu chảy từ mô mỡ dưới da tới nơi khác trong cơ thể thì cũng coi như không. Điều chắc chắn là kỹ thuật viên sẽ giảm được mỡ do họ vận động nhiều khi massage cho khách.

Tuy nhiên, việc massage cũng có tác động làm mô mỡ mềm hơn và dễ chuyển hóa hơn nếu kết hợp vận động và ăn kiêng đúng cách.

Tắm ốm, xông hơi, quấn nóng. Có thể giảm 1-2kg trong vài giờ nhưng do mất nước chứ không giảm lượng mỡ. Nước là chất không thể thiếu trong đời sống, vì vậy phải uống nước đầy đủ đúng theo yêu cầu của cơ thể.

Nhiều người cho rằng do thức ăn Việt Nam quá ít chất béo nên người Việt ăn nhiều vẫn gầy so với người Âu - Mỹ. Đó là do thức ăn Việt Nam trước đây trong bữa cơm gia đình hằng ngày chỉ có đậu hũ hoặc cá và rau, nhưng hiện nay thì đã có sự khác biệt rất nhiều, thịt thay cá, các món chiên, xào chế biến cầu kỳ và nhiều chất béo. Có thể nói vui là chế độ ăn của người Việt đã được "Tây hóa" nên năng lượng khá dồi dào.


vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp