Từ run lẩy bẩy...
Bà Cao Thị T. (62 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM) đã bị mắc căn bệnh Parkinson từ 15 năm qua. Căn bệnh khiến cho tay của bà T. run rẩy, mất kiểm soát, các cơ luôn cứng đờ mỗi lần muốn vận động. Mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi bằng các điều trị nội khoa nhưng bệnh bà T. không cải thiện, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân. Mới đây, bà phải vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phẫu thuật điều trị. Tương tự là bệnh nhân Phan Văn L. (71 tuổi ở quận Phú Nhuận, TPHCM) mắc bệnh đã 11 năm, và gần một năm nay bệnh càng trầm trọng hơn. Thăm khám tại khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cho biết ông L. đã không thể cử động, không nói được và nằm cứng một chỗ.
Theo
PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh
Parkinson thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên và là một trong
những bệnh liên quan đến cử động của cơ thể phổ biến nhất, gặp trong
khoảng 1% người trên 60 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ gấp 1,5 lần. Độ tuổi
khởi bệnh trung bình vào khoảng 60 tuổi. Theo BS Lê Đức Định Miên, Khoa
Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh Parkinson thường có
các triệu chứng run, giảm vận động, cứng đờ, kèm theo tư thế đứng và đi
bất thường. Những biểu hiện bất thường như thế có thể thấy sau khi bị
viêm não, tai biến mạch máu não, do dùng thuốc điều trị tâm thần kéo
dài... Tuy nhiên, dạng thường gặp nhất của bệnh Parkinson là dạng bệnh
tự phát, do thoái hóa bên trong hệ thần kinh, không do căn nguyên nào
gây nên.
Theo các chuyên gia thần kinh, bệnh Parkinson đòi hỏi điều trị lâu dài và phẫu thuật mới trả lại sinh hoạt bình thường cho họ. Hiện khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã triển khai phẫu thuật bệnh Parkinson bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích vào trong não. Kỹ thuật này được ứng dụng bằng cách cấy một điện cực và máy kích thích lâu dài vào cơ thể bệnh nhân, đồng thời đặt dưới da lồng ngực một máy phát xung điện. Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương cho biết kỹ thuật này có khả năng ức chế các xung bất thường của não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại và sự rối loạn vận động, run cứng biến mất. Khoảng 80% bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường và 20% giảm bớt triệu chứng.
Tình trạng “lú lẫn” ở người già
hay được gọi là sa sút trí tuệ cũng là vấn đề được các chuyên gia y tế
quan ngại. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2010, thế giới có 35,6 triệu
người bị sa sút trí tuệ và ước tính đến năm 2030, con số dự báo sẽ tăng
lên 65,7 triệu người, năm 2050 là 115,5 triệu người. Qua đó cho thấy, sa
sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng chóng mặt.
Theo các chuyên gia y
tế, quá trình trao đổi chất bình thường trong não hoàn toàn phụ thuộc
vào nguồn năng lượng chính là đường huyết (glucose máu). Khi đường huyết
thấp (chẳng hạn lúc nhịn đói), não bộ chủ yếu sử dụng các xeton làm
nhiên liệu cùng với một lượng nhỏ glucose. Nếu giảm glucose trầm trọng,
có thể dẫn đến mất ý thức. Quá trình chuyển hóa các chất này để tạo ra
năng lượng cần tiêu thụ một lượng lớn oxygen và cũng tạo ra rất nhiều
các gốc tự do. Gốc tự do được xem như là nguồn gốc của sự lão hóa và các
bệnh tật. Gốc tự do có thể được sinh ra trong cơ thể bởi các quá trình
chuyển hóa tự nhiên hoặc từ môi trường. Các yếu tố tăng sinh gốc tự do
là lão hóa, thiếu dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá, stress,
chấn thương, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ.
* Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ: Giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, mất khả năng nhận biết đồ vật… |
Theo BS Trần Chí Cường, chuyên gia mạch máu BV Đại học Y Dược TPHCM, cứ 10 người bị tai biến mạch máu não thì có 3 người tử vong và một trong những nguyên nhân chính là xơ vữa thành mạch. Trong khi đó, ngay ở tuổi trung niên, con người đã có thể bị suy giảm trí nhớ do sự lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh trước sự gây hại của gốc tự do. Môi trường sống, stress, hoặc thiếu một số chất quan trọng khiến các gốc tự do trong cơ thể con người không ngừng sản sinh và gây hại lên não.
Theo các chuyên gia y tế, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể làm đảo ngược hoàn toàn quá trình thoái hóa thần kinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh bằng các chất chống oxy hóa từ thiên nhiên (thảo dược, rau quả); cải thiện môi trường sống, xây dựng đời sống tinh thần lạc quan (đọc sách, học ngoại ngữ, giao lưu với mọi người…); sinh hoạt điều độ (tránh căng thẳng, thư giãn, nghỉ ngơi…); dinh dưỡng hợp lý (ăn nhiều rau, củ, quả, không hút thuốc, nghiện rượu) và vận động đúng cách (nghe nhạc, đi bộ, đánh cờ…).
Bình luận của bạn