Bàn chân khi đứng sẽ có hai phần chịu lực chính là phần mũi bàn chân và gót chân. Mỗi bàn chân đều có hai phần chịu lực từ trước ra sau là khối xương từ gót chân đến ngón cái và gót chân đến ngón út.
Mỗi bàn chân chứa nửa vòm bàn chân để khi đứng chụm hai bàn chân sẽ có một vòm bàn chân hoàn chỉnh.
Khi đứng trọng tâm cơ thể rơi vào giữa hai bàn chân, khi đi phần vòm bàn chân với cấu tạo bởi các khối xương xếp kiểu hình vòm trong các cửa vòm và hệ thống dây chằng giúp vòm bàn chân co giãn, nhằm giảm sang chấn lên bàn chân và cơ thể bằng cách triệt tiêu phản lực từ đất dội lên.
Như vậy với bàn chân bình thường, mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta cách để giảm thiểu chấn thương lên cơ thể khi đi, nhất là bàn chân, kể cả khi chạy nhảy.
Nếu nhìn kỹ đôi giày cao gót sẽ thấy có một phần gót cao, nhọn và mảnh thay vì phần đế to và chắc chắn của các loại giày thông thường. Phần mũi giày thường túm lại.
Tự bản thân đôi giày cao gót đã ẩn chứa yếu tố không vững khi đứng hay di chuyển do phần đế và phần mũi quá nhỏ. Khi mang giày cao gót, lực không chia đều lên cả bàn chân mà truyền từ đùi đến cẳng chân qua gót chân và đi thẳng đến phần khớp bàn ngón chân.
Như vậy trọng tâm cơ thể không còn nằm giữa hai bàn chân mà di chuyển ra trước. Khi mang giày cao gót, người phụ nữ phải ưỡn ngực để đẩy trọng tâm cơ thể ra trước nhằm tránh té ngã.
Mặt khác, khi đi phần chịu lực đầu tiên không phải ở gót chân như bình thường mà nhanh chóng chuyển đến mũi bàn chân, tức khớp bàn ngón chân nên tác dụng làm giảm phản lực từ đất dội lên của vòm bàn chân bị mất.
Phụ nữ duyên dáng và hấp dẫn khi mang giày cao gót vì họ đi với dáng ngực ưỡn, mông lùi, cả người uyển chuyển vì phải cố gắng để trọng tâm rơi vào hai mũi chân nhằm tránh té và chiều cao tăng lên đáng kể mà không cần dùng dao kéo.
Nhưng hậu quả thế nào khi mang giày cao gót? Đầu tiên là nguy cơ té ngã gây bong gân cổ chân do sự mất vững của đôi giày. Thứ hai vùng khớp bàn ngón chân rất hay bị đau và thoái hóa sớm do phản lực từ đất dội lên trực tiếp.
Mũi giày nhọn làm bó các ngón chân nên lâu dần ngón cái bị vẹo ra ngoài, các ngón còn lại vẹo vào trong làm đau khớp bàn ngón chân cái và gây ra chứng bệnh gọi là ngón cái vẹo ngoài.
Thứ ba, khớp cổ chân ở tư thế duỗi nên mau mỏi phần cơ cẳng chân trước. Phần sụn khớp cổ chân cũng mau hư hại.
Thứ tư, cột sống ưỡn lâu ngày nên sẽ bị đau lưng. Thứ năm, vì quen với chiều cao giả tạo do mang giày cao gót nên khi không mang phụ nữ sẽ không tự tin trong giao tiếp, lâu dần tạo thói quen lệ thuộc giày cao gót khi đi làm việc, giao tiếp.
Không phủ nhận lợi ích của giày cao gót nhưng cũng chỉ nên mang một số thời điểm nào đó trong ngày.
Bình luận của bạn