Hà Nội sẽ dành 19.500 tỷ cho "tinh thần thể dục"

Ông Bùi Huy Quang - Trưởng phòng thể thao thành tích cao (TTTTC) - Sở VHTT Hà Nội nói về bản Quy hoạch phát triển TDTT thành phố HN đến năm 2020, định hướng 2030 vừa được phê duyệt với nguồn kinh phí dự tính khoảng 19.500 tỷ.

Hà Nội đang thiếu đất

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu, tầm quan trọng khi đưa ra quy hoạch TTDTT này, thưa ông?

Quy hoạch phát triển TDTT được coi là bản đồ quy hoạch TDTT của thủ đô đến năm 2020 định hướng 2030. Dựa trên những đánh giá về hiện trạng thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, cơ sở hạ tầng…

19.500 tỷ xây dựng quy hoạch phát triển TDTT cho thành phố
19.500 tỷ xây dựng quy hoạch phát triển TDTT cho thành phố

Với mục đích người dân phải được hưởng nhu cầu TDTT, hiện đại, tiên tiến (thể thao quần chúng) bao gồm thể thao trong trường học, thể thao vũ trang, thể thao cho mọi đối tượng khác. Đồng thời cũng là nền tảng cho phát triển TT thành tích cao.

Để làm được điều này, bắt buộc phải có hạ tầng, mạng lưới thiết chế thể thao phát triển. Cụ thể là cơ sở hạ tầng, đất đai dành cho tập luyện như thế nào.

Quy hoạch cũng đưa ra yêu cầu cụ thể, đến năm 2020 tổng nhu cầu đất quy hoạch cho TDTT của thành phố là 1.834ha; năm 2030 vào khoảng 4.000ha; đất dành cho hoạt động TDTT đạt khoảng 2,3 - 2,5m2/người năm 2020 và đến năm 2030 đạt khoảng 4m2/người.

Năm 2020, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi).

Năm 2030 có đủ 5 công trình (bể bơi, sân vận động, nhà tập luyện -thi đấu, sân tập thể thao từng môn và khu vui chơi giải trí cho trẻ em).

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đặt mục tiêu, mỗi trường mầm non trên địa bàn TP đều có phòng tập với diện tích khoảng 150 - 200m2, các trường phổ thông đều có sân tập, nhà giáo dục thể chất…

Mục tiêu của Hà Nội cũng phấn đấu đạt mức 46% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên vào năm 2030; đạt mức 40% tổng số hộ gia đình thể thao vào năm 2030.

Với TTTTC phấn đấu đạt 4.500 vận động viên, trong đó có 1.100 VĐV cấp cao; năm 2030 đạt trên 5.000 VĐV, trong đó có 1.500 VĐV cấp cao.

Theo ông, vấn đề mấu chốt cho phát triển TDTT chính là thiếu đất phục vụ tập luyện, thưa ông?

Đúng vậy.Nó là cơ sở cho các địa phương xây dựng và quy hoạch đất dành cho TDTT.

Có thể sử dụng đất trống, đất liền kề, sàn khu căn hộ, công viên... để tận dụng làm nơi cho người dân tập luyện.

Vấn đề TDTT của thành phố có phải chỉ do thiếu đất hay còn vấn đề nào khác trong chế độ, tập luyện, trang thiết bị, thưa ông?

Tôi cho rằng, về cơ sở hạ tầng của thành phố hiện nay đang được đánh giá là tốt nhất toàn quốc, thậm chí trung tâm Mỹ đình còn đứng đầu Đông Nam Á.

Về chế độ cho VĐV cũng được áp dụng theo đúng quy định của nhà nước, với những tài năng thể thao, năng khiếu đặc biệt cũng được hưởng chế độ đặc biệt hơn.

Bình thường VĐV đội tuyển quốc gia được ăn một ngày 200 ngàn thì với VĐV đặc biệt là 400 ngàn.

Tiền lương một ngày của VĐV quốc gia khoảng 150 ngàn, VĐV đặc biệt là 400 ngàn/người/ngày.

Đi tập huấn nước ngoài thì sẽ thanh toán theo hợp đồng, nhà nước trả.

19.500 tỷ chỉ để xây dựng quy hoạch

Vậy theo quy hoạch này, nguồn kinh phí 19.5000 tỷ sẽ được phân bổ như thế nào, tập trung vào đề án nào là quan trọng, thưa ông?

Tôi chưa quan tâm về kinh phí, nhưng theo tôi, 19.500 tỷ chỉ là kinh phí dự trù riêng để chuẩn bị quy hoạch chưa có kinh phí thực hiện đề án.

Nguồn kinh phí này nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng quy hoạch đề án như đầu tư, chống xuống cấp, xây mới, đầu tư cho đào tạo VĐV, phát triển phong trào…

Quy hoạch cũng xây dựng những đề án và các dự án được ưu tiên đầu tư của thành phố trong giai đoạn từ 2014 tới 2030.

Cụ thể, quy hoạch này hướng tới hai để án chính là: Đề án phát triển TDTT quần chúng đến năm 2020; Đề án tạo VĐV TTTTC cho ASIAD Hà Nội 2019 và Olympic, các kỳ SEA Games…

Trong đó có 15 dự án do Bộ ngành đầu tư trên địa bàn thành phố; 2 công trình với 8 sân vận động, trung tâm, nhà thi đấu do thành phố trực tiếp quản lý; 7 công trình do quận huyện, thị xã đầu tư và 5 dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Trong giai đoạn đầu, nguồn kinh phí sẽ tập trung chủ yếu vào 2 đề án, phát triển thể thao quần chúng và đề án phát triển TTTTC đồng thời hoàn thiện Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Theo bản quy hoạch này tinh thần thể thao được thể hiện thế nào thưa ông. Mục đích đề án hướng tới là gì?

Mục đích của đề án là người dân phải được hưởng TDTT, thành phố chỉ đạo. Quy hoạch hướng tới hai đề án chính là thể thao quần chúng và TTTTC. Tuy nhiên, thể thao quần chúng sẽ được ưu tiên trước.

Tinh thần thể thao quần chúng được thể hiện rất linh hoạt, có thể là tự tập luyện, có thể đến trung tâm, có thể là cá nhân cũng có khi tập theo tập thể.

Theo quy định, với người được gọi là tập luyện thể thao thường xuyên là 1 tuần tập 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Không quy định hình thức tập, có thể đi bộ, leo cầu thang… hoặc tập ngay tại phòng, trên giường… miền là tự vận động.

Theo đánh giá Hà Nội hiện là thành phố đang dẫn đầu cả nước về cả thể thao quân chúng và TTTTC.

Xin cảm ơn ông!

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp