Hành trình "viết tiếp ước mơ"

Hành trình "viết tiếp ước mơ" vẫn từng ngày được nối dài bởi tri thức

Triệu chứng miệng có vị kim loại cảnh báo điều gì?

Cuộc sống của người Mông trên đỉnh Phà Đánh

“Gieo” chữ… trên núi

Bí quyết kiểm soát stress dành cho học sinh, sinh viên

Vì sao thầy cô giáo của chúng ta cần phải khỏe và hạnh phúc?

“Viết tiếp ước mơ”…viết tiếp tương lai tươi sáng

“Em muốn học thật giỏi trở về đóng góp cho quê hương”. Đó là câu chuyện của em Sùng Mí Thò, đến từ vùng đất địa đầu Tổ Quốc – Mèo Vạc, Hà Giang. Tôi có dịp nghe em kể về chặng hành trình học tập của mình trong một sự kiện gần đây tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Em Sùng Mí Thò với ước mơ trở thành kỹ sư điện trong tương lai

Em Sùng Mí Thò với ước mơ trở thành kỹ sư điện trong tương lai

Em Sùng Mí Thò lớn lên trong một gia đình H’mông tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc. Cha mẹ em quanh năm vất vả làm nương, làm rẫy chỉ đủ ăn. Thò có hai anh trai, vì hoàn cảnh gia đình, cả hai đều phải bỏ học từ sớm để vào thành phố làm thuê kiếm sống. Có lúc, Thò cũng nghĩ đến việc phải bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, bởi gia đình quá nghèo, bữa ăn còn không đủ, làm sao có tiền đi học.

Nhưng rồi em vẫn quyết tâm đi học tiếp. Hành trang đi học của em lúc ấy chỉ có một chiếc chảo, một nồi cơm điện, 200.000 đồng và một ít gạo trắng.

Nhưng nhờ vào sự nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ từ Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam), em đã hoàn thành 3 năm học THPT. Sau đó, em tiếp tục học ngành Điện tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư điện. Sùng Mí Thò khẳng định sẽ không ngừng cố gắng học tập để xây dựng một tương lai tươi sáng.

Sự quyết tâm ấy của em, tôi còn được chứng kiến ngay tại sự kiện ngày hôm đó. Một cậu bé nhỏ nhắn, rụt rè nhưng mạnh dạn gặp trực tiếp anh Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Long Hải thổ lộ ước muốn về công ty anh làm việc sau khi học xong, tích lũy kinh nghiệm, rồi trở về đóng góp cho quê hương. Được biết, Công ty Long Hải đã đồng hành và tài trợ cho Quỹ Tấm lòng Việt trong 10 năm qua.

Cũng trong buổi lễ ngày hôm ấy, tôi có dịp nghe em Nguyễn Thùy Trang (Lương Tài, Bắc Ninh) kể về chặng hành trình “viết tiếp ước mơ” của mình… Hoàn cảnh của em rất đặc biệt, Trang mồ côi cả bố và mẹ, phải ở với ông bà, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, em vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập, là học sinh giỏi cấp huyện những năm học trung học cơ sở, cán bộ lớp gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động của lớp và của nhà trường. Hiện em đang theo học ngành Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội – một trong những ngành học và trường Đại học có điểm đầu vào cao nhất cả nước.

Vượt lên hoàn cảnh, Trang luôn cố gắng học tập vì một tương lai tươi sáng hơn

Vượt lên hoàn cảnh, Trang luôn cố gắng học tập vì một tương lai tươi sáng hơn

Hành trình “viết tiếp ước mơ” còn được nối dài bởi chàng trai miền Trung hiếu học. Lê Xuân Nam, một người con đến từ mảnh đất gió Lào “chảo lửa, túi mưa” – Hà Tĩnh. Nam kể, mẹ mất sớm vì bệnh ung thư, bố bỏ đi khi em mới 15 ngày tuổi, em lớn lên trong một trung tâm nhân đạo. Nhờ sự kết nối của nhà báo Đỗ Mai Lan (công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam), mà em gọi thân thương là “mẹ Mai Lan” với Quỹ Tấm lòng Việt. Nhờ đó, em đã hoàn thành việc học tập tại trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội.

Vượt lên hoàn cảnh, giờ đây Nam đã có cho mình một công việc ổn định, một gia đình nhỏ hạnh phúc và hơn hết, em hiểu được rằng: Học tập là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. “Viết tiếp ước mơ con chữ” cũng chính là viết tiếp ước mơ về một tương lai tươi sáng…

Xuân Nam là một trong những đứa con trưởng thành đầu tiên từ Quỹ Tấm lòng Việt

Xuân Nam là một trong những "đứa con" trưởng thành đầu tiên từ Quỹ Tấm lòng Việt

Những người “thắp sáng ước mơ”

Trên hành trình viết tiếp ước mơ của các em nhỏ, không thể không kể đến công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo. Chúng tôi gọi họ là người “thắp sáng ước mơ”. Các em nhỏ chắc chắn không thể viết tiếp ước mơ nếu thiếu những người thầy, người cô “thắp sáng”, chỉ đường…

Tôi cũng có dịp được lắng nghe nhiều câu chuyện của những người thầy, người cô vượt lên khó khăn, vất vả để bám bản, bám trường. Và trong những câu chuyện cảm động ấy, tôi ấn tượng nhất với hình ảnh những người cô hàng ngày vượt qua 30km để đến trường dạy học tại một bản làng ở miền Tây xứ Nghệ.

Nơi ấy là bản Huồi Cọ - một trong những bản làng vùng biên giới heo hút nhất tại Nghệ An, có độ cao 1.200-1.700m so với mực nước biển. Bản được hình thành vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, từ một vài hộ người dân tộc Mông ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong di cư về… Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân Huồi Cọ cặm cụi, mịt mờ trong sương. Lũ trẻ không đủ quần áo ấm, không có trường, có lớp. Khi chưa kịp lớn lên, đám trẻ đã lên rừng phát, đốt rẫy tra hạt. Đời nối đời sống trên đá bấp bênh.

Ngày nay, Huồi Cọ đã là một bản lớn với 58 hộ với gần 400 nhân khẩu. Vào bản đã có đường bê tông nối với quốc lộ, có điện lưới, có trường học, bản đã có hơn 20 học sinh đỗ đại học, cao đẳng.

Sự phát triển của Huồi Cọ hôm nay không thể tách rời với công lao của những người thầy, cô giáo cắm bản. Ở bản, từ nhiều năm trước, 2 điểm trường mầm non và tiểu học đã được thành lập. Nhiều thế hệ thầy cô đã về bản. Trong điều kiện trường lớp tạm bợ, họ không ngừng vượt khó để dạy cái chữ cho con em.

“Hàng ngày em chạy xe máy 30km từ Quế Phong lên đây. Trước kia khi đường chưa được sửa lại như bây giờ, ngày nắng ráo thì không sao nhưng ngày mưa gió, xuống hay lên dốc bọn em đều phải xuống đẩy xe. Những ngày mưa bão chúng em phải ở lại trường” – cô Ngân Thị Chiến, giáo viên điểm trường mầm non Huồi Cọ chia sẻ với chúng tôi.

Cô giáo Ngân Thị Chiến đã có kinh nghiệm 15 năm cắm bản, đồng hành cùng trẻ em vùng cao

Cô giáo Ngân Thị Chiến đã có kinh nghiệm 15 năm cắm bản, đồng hành cùng trẻ em vùng cao

Ngoài những khó khăn về điều kiện vật chất, theo cô Chiến, khó khăn lớn nhất vẫn là bất đồng ngôn ngữ. Việc dạy học cho các em người Mông ở Huồi Cọ rất vất vả. Các em ở trường vừa mới học được ít tiếng Việt, về đến nhà giao tiếp với gia đình bằng tiếng Mông, hôm sau đến trường lại quên những từ đã học. Để các em hiểu thì giáo viên phải sử dụng song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng Mông). Cùng là người dân tộc, nhờ nói được hai ngôn ngữ nên các em mới tiếp thu được những lời cô chỉ dạy.

Nhưng với cô Chiến cũng như những người thầy, người cô đang giảng dạy trên bản làng xa xôi này, họ chỉ mong học sinh của mình mỗi ngày đều được đến trường. Nếu không học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp, lập gia đình sớm, trẻ nhỏ vùng cao lại luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu. Đó cũng chính là điều các cô trăn trở. Vì thế, ngoài những giờ lên lớp, các cô giáo lại đi từng nhà vận động, tuyên truyền các bậc phụ huynh về việc học hành của các con. Cũng nhờ vậy, phụ huynh trong bản đã có những đổi thay tích cực.

Những câu chuyện về hành trình “viết tiếp ước mơ” của các em học sinh và thầy cô giáo đã chạm đến trái tim không chỉ tôi mà còn của bất kỳ ai chứng kiến. Các em học sinh, dù xuất thân từ những vùng đất nghèo khó, vẫn không ngừng vượt qua khó khăn và giữ vững niềm tin vào con đường học tập. Các thầy cô giáo, với tình yêu nghề, yêu trẻ đã không ngại khó khăn vất vả, ngày đêm gieo mầm tri thức nơi vùng sâu, vùng xa. Tất cả họ đều có chung một ước mơ nhỏ bé: đưa trí thức dẫn lối, chỉ đường, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Chính nhờ những thầy cô tận tâm và những học trò đầy nghị lực, chúng ta tin rằng mỗi ước mơ ấy sẽ sớm trở thành hiện thực. Và tôi cũng tin, hành trình ấy không chỉ kết thúc ở một cột mốc nào đó, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, tạo ra những tác động sâu rộng đến cộng đồng và xã hội, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ