Phát hiện thêm cơ sở chế biến thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn: Đâu là giới hạn cuối cùng?
Chống thực phẩm bẩn: "Nói ít thôi, hành động ngay!"
Hoảng hồn phát hiện kim tiêm trong thịt lợn
Đây không phải là lần đầu tiên facebook dậy sóng, người dân hoang mang với thông tin những loại thực phẩm hằng ngày, quen thuộc bị làm giả, bị Trung Quốc đầu độc. Trước đây đã có nhiều clip về hột gà giả, bánh tráng trộn đốt nghe... mùi khét.
Trong các vụ trước, dân facebook hầu hết chỉ đơn thuần phát tán video clip gốc, thì ở vụ "hột xoài mút", rất nhiều người làm theo clip gốc, thêm bình luận, thêm cảm thán, rồi chia sẻ video clip của chính họ làm. Điều này khiến hiệu ứng "hột xoài mút" lan rộng, với tốc độ nhanh hơn, đi vào từng ngóc ngách trên thế giới facebook thật giả lẫn lộn.
Chia sẻ video clip với nội dung chưa rõ ràng, gây tổn hại tới những người chân chính trực tiếp làm ra sản phẩm là hành động vô trách nhiệm. Và sự ích kỷ, vô trách nhiệm này phải tính gấp đôi, nếu ai đó chủ động làm lại video clip, rồi mới chia sẻ.
Phát tán một clip có sẵn, có vẻ chỉ nằm trong nhu cầu chia sẻ, trao đổi thông tin. Còn nếu làm lại video clip, đưa vào đó giọng thật, mặt thật để mọi người trên facebook biết tới mình mà không quan tâm đến hậu quả, dường như là sự cuồng nổi tiếng.
Họ đang "đốt một kho gạo chỉ để lấy một bao gạo", mà đau lòng hơn, cái "bao gạo" ở đây rất ảo, chỉ là like, là view, là sự nổi tiếng thoáng qua trên facebook.
Rõ ràng, những video clip kiểu này cho thấy nhiều người lên facebook với mong muốn nổi tiếng, mà nói cách vui vẻ hơn là "câu view, câu like", đang hành xử bản năng, bất chấp tất cả.
Nhưng tại sao, chỉ những video clip về vấn nạn an toàn thực phẩm mới có sức thu hút như vậy? Trên facebook, hằng ngày, hằng giờ vẫn có đầy những video clip thử nghiệm khoa học thú vị. Tại sao không có bất cứ người chơi facebook nào làm lại những thí nghiệm này, và nếu có cũng chẳng tạo được sự lan tỏa.
Dĩ nhiên nói qua thì phải nói lại. Nếu như không có nỗi ám ảnh thường trực về an toàn vệ sinh thực phẩm thì những video clip dạng này, liệu có tồn tại? Thịt bẩn trà trộn thịt sạch, cà chua trồng một ngày, sầu riêng xịt thuốc, mít bơm hóa chất, cafe nguyên... chất, rau đầy thuốc trừ sâu, người nông dân không dám ăn chính sản phẩm của họ trồng ra... là điều có thật, không một chút giả.
Dân lo sợ từ chính những thứ thân thuộc, nuôi sống họ mỗi ngày. Người dân, người chơi facebook, với nỗi ám ảnh đã có, sẵn sàng tin không cần kiểm chứng vào bất cứ thông tin nào về thực phẩm không tốt. Sự sợ hãi như một trảng cỏ khô, sẵn sàng bùng cháy khi có một mồi lửa nhỏ. Và do đó, những tiếng nói tỉnh táo, những bình luận "chấn chỉnh" dư luận trên facebook quá nhỏ bé, không cản được dòng dư luận đầy hoang mang kia.
Hột xoài mút rất nhỏ, nhưng sự hoài nghi bên trong không hề nhỏ. "Vấn nạn" đoạn clip "hột xoài mút" chỉ là bề nổi. Bề chìm là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và trách nhiệm để đánh tan sự hoài nghi, sợ hãi này, không phải do cộng đồng facebook, hay một vài bài báo, một vài bình luận, thực hiện được.
Trách nhiệm bây giờ đang nằm ở một nơi cao hơn.
Bình luận của bạn