Phẫu thuật cắt đoạn ruột non có thể làm giảm hấp thu dưỡng chất, từ đó gây ra hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là gì?
Hội chứng ruột ngắn thường xảy ra sau phẫu thuật cắt bỏ từ một nửa đoạn ruột non trở lên. Sau phẫu thuật, phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi để duy trì chức năng của hệ tiêu hóa bình thường, khó có thể hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cần thiết một cách hiệu quả để nuôi sống cơ thể.
Về tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ruột ngắn ở trẻ, theo Hiệp hội Dinh dưỡng - Gan mật - Tiêu hoá Nhi khoa Bắc Mỹ (NASPGHAN), trẻ có thể được chẩn đoán mắc hội chứng này khi có ít nhất 1 trong 2 tiêu chí sau:
- Chiều dài đoạn ruột non còn lại < 25% chiều dài ruột non theo tuổi thai.
- Rối loạn chức năng ruột sau phẫu thuật cần phải nuôi dưỡng tĩnh mạch > 60 ngày.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn
Phẫu thuật cắt một nửa ruột non hay nhiều hơn để điều trị các bệnh đường ruột, thương tích hoặc các dị tật bẩm sinh là nguyên nhân chính dẫn tới hội chứng ruột ngắn.
Đối với trẻ sơ sinh, hội chứng ruột ngắn có thể xảy ra sau phẫu thuật để điều trị một số bệnh như:
- Viêm hoại tử ở trẻ sinh non.
- Đường ruột bị khuyết tật bẩm sinh như ruột ngắn bẩm sinh, thoát vị rốn, xoắn đoạn ruột giữa phôi.
- Trẻ bị tắc ruột phân su.
Đối với các trẻ lớn hơn, hội chứng ruột ngắn có thể xảy ra sau phẫu thuật để điều trị một số bệnh như:
- Lồng ruột - một phần của nếp ruột này chèn vào một phần của ruột khác.
- Trẻ bị bệnh Crohn nghiêm trọng, bệnh xảy ra ở nhiều phần của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.
- Thiếu máu dẫn đến tổn thương đường ruột.
- Chấn thương gây ra tổn thương đường ruột.
- Ung thư và điều trị ung thư dẫn đến tổn thương ruột.
Dấu hiệu cảnh báo hội chứng ruột ngắn
Triệu chứng chính của hội chứng ruột ngắn là tiêu chảy. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, kém dinh dưỡng và sút cân. Những vấn đề trên có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị đúng cách.
Bên cạnh đó, hội chứng ruột ngắn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
- Ợ nóng, đầy hơi, đau bụng.
- Ốm yếu, mệt mỏi.
- Thiếu máu.
- Phát ban da.
- Sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em bị suy giảm.
Hội chứng ruột ngắn ở trẻ em nguy hiểm thế nào?
Với các bệnh nhi mắc hội chứng ruột ngắn, đặc biệt là những trường hợp chiều dài ruột của trẻ còn lại quá ngắn, nếu không được nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng không tốt, trẻ sẽ bị mất nước, suy dinh dưỡng nặng và nguy cơ tử vong rất cao.
Phương pháp "hoàn hồi" - hy vọng mới cho trẻ mắc hội chứng ruột ngắn
Theo TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mọi trường hợp, nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa là lựa chọn điều trị ưu tiên cho trẻ (nếu không có chống chỉ định). Đây là con đường sinh lý nhất, đơn giản nhất, ít biến chứng và ít chi phí nhất, đặc biệt giúp cho ruột hồi phục nhanh nhất sau phẫu thuật.
Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi ăn trực tiếp bằng các loại sữa thủy phân, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương còn thực hiện phương pháp nuôi dưỡng "hoàn hồi" với mục đích giúp trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Khi thực hiện phương pháp "hoàn hồi", trẻ sẽ được làm hậu môn nhân tạo có đầu trên thông với ruột non, đầu dưới thông với ruột già. Hậu môn nhân tạo có vai trò chứa đựng các chất không hấp thu hết từ đoạn ruột trên thải ra. Chất lỏng trong hậu môn nhân tạo sẽ được bơm vào đoạn ruột dưới hậu môn nhân tạo, giúp trẻ hấp thu thêm các chất dinh dưỡng còn lại.
“Hoàn hồi” là phương pháp nuôi dưỡng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm sự bài tiết dịch ruột, kéo dài thời gian hấp thu các chất dinh dưỡng của ruột non; Phòng ngừa thiếu hụt các chất dinh dưỡng đặc hiệu; Giúp hấp thu tối ưu các chất dinh dưỡng; Góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của trẻ; Kích thích sự thích nghi của đoạn ruột còn lại; Giúp kiểm soát cân bằng dịch và các chất điện giải.
Trước đây, bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn hầu như rất khó qua khỏi. Sự ra đời của các loại sữa thủy phân đã cứu sống được rất nhiều trẻ. Tuy nhiên, với các trẻ có độ dài ruột còn quá ngắn, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Từ khi áp dụng phương pháp nuôi dưỡng "hoàn hồi" trong khoảng 1 năm trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu thêm được nhiều bệnh nhi có độ dài ruột còn lại rất ngắn.
Việc áp dụng phương pháp nuôi dưỡng này đã mở ra nhiều hy vọng cho trẻ không may mắc hội chứng ruột ngắn, mang tới cho trẻ tương lai phát triển bình thường như bao em nhỏ khác.
Bình luận của bạn