Hơi mệt là truyền dịch: Quá nguy hiểm!

Truyền “nước biển” tại một trạm y tế phường ở Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Trẻ bị sốt virus có nên truyền dịch?

Tử vong sau khi truyền dịch tại nhà

Không phải cứ sốt là truyền dịch!

Tự ý truyền dịch: Coi chừng mất mạng!

Ngay cả nhân viên y tế như anh T.V.P mỗi khi tiệc tùng say bí tỉ thường vào bệnh viện truyền chai dextrose mới thấy khỏe và làm việc trở lại bình thường.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp truyền dịch dẫn đến nguy hiểm tính mạng và thậm chí tử vong đã được báo chí nói đến.

Chiều theo người bệnh

Nhu cầu được truyền dịch hay vô “nước biển” của người bệnh khi đến các phòng khám ngoài giờ là có thật. Thậm chí họ còn đến truyền dịch tại các nhà thuốc hoặc mời nhân viên y tế đến nhà.

Các bác sỹ là người nắm rõ khi nào người bệnh cần được vô “nước biển” và khi nào không cần thiết, hoặc thậm chí phải rất thận trọng.

Tuy nhiên, do yêu cầu của người bệnh và được tăng thu nhập mà nhiều khi thầy thuốc chiều theo ý muốn người bệnh, một hành động làm cả hai đều vui vẻ. Bởi lẽ nếu bác sỹ từ chối ý muốn được vô “nước biển” của người bệnh thì có thể họ sẽ tìm đến phòng khám khác.

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch. Người dân thường gọi dịch truyền nói chung là “nước biển”. Các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ dùng khi được bác sỹ chỉ định.

Kỹ thuật truyền dịch tuy đơn giản nhưng chỉ nên thực hiện tại cơ sở y tế có đủ dụng cụ cấp cứu khi có tai biến xảy ra.

Cũng như các loại thuốc khác, dịch truyền chỉ hiệu quả khi được dùng đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều. Việc lạm dụng hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến nhiều tai biến.

Vô “nước biển” đúng lúc

Người bệnh cần được truyền dịch trong các tình huống sau:

- Bồi hoàn thể tích dịch cho cơ thể bị mất như khi sốt cao, ói mửa, tiêu chảy, bỏng, chấn thương gây chảy máu...

- Cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể trong trường hợp người bệnh không ăn uống được, suy kiệt, hôn mê, phẫu thuật đường ruột...

- Mượn đường truyền dịch để pha loãng thuốc đưa vào cơ thể từ từ vì có một số loại thuốc không thể tiêm thẳng và nhanh vào mạch máu.

- Bồi hoàn các chất điện giải như natri, kali, calci, chlor... Các chất này thường được phát hiện thiếu hụt khi làm xét nghiệm máu.

Trong cơ thể mỗi người đều có các chỉ số trung bình trong máu về các chất đạm, đường, các chất điện giải... Nếu các chất vừa kể có chỉ số trung bình thấp hơn mức bình thường thì lúc đó chúng ta mới bù đắp. Vô “nước biển” trong những tình huống như vậy thường người bệnh thấy khỏe hơn.

Tuy nhiên, nếu bị bệnh mạn tính như suy tim, suy thận, xơ gan... mà người bệnh yêu cầu truyền dịch có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng do quá tải tuần hoàn.

Những trường hợp người bệnh thấy có triệu chứng “sơ sơ” như sốt, mệt, nhức đầu, thở hơi khó... khi truyền dịch thấy bệnh tình nặng lên hoặc thậm chí tử vong là do hai khả năng: Sốc dịch truyền hoặc do tai biến, do bệnh tiềm ẩn nguy hiểm nhưng chưa được chẩn đoán và điều trị đúng nên diễn tiến đến tử vong chứ không liên quan đến việc truyền dịch.

Người bệnh không nên nghĩ truyền dịch là biện pháp tối ưu cho sức khỏe. Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sỹ và được tiến hành tại nơi có đủ các phương tiện xử lý cấp cứu.

Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối. Người bệnh cần được theo dõi thật sát để cấp cứu kịp thời nếu có tai biến xảy ra.

3 nhóm 
dịch truyền

Hiện có trên 20 loại dịch truyền được chia thành ba nhóm cơ bản sau:

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, dùng trong các trường hợp nuôi ăn đường tĩnh mạch, suy kiệt, ăn uống kém: Glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin.

- Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất máu, mất nước như chấn thương, tiêu chảy, bỏng, ói mửa... Đó là các dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, natri bicarbonate...

- Nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
 
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp