Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Văn phòng Trung ương Đảng chiều 10/9 - Ảnh: Reuters.

Vitamin C có tác dụng gì với làn da?

"Cú đêm" với lối sống kém lành mạnh dễ mắc đái tháo đường

Các thực phẩm không nên ăn cùng với sữa chua

Đo đường huyết như thế nào sẽ cho kết quả chính xác?

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Trong khuôn khổ quan hệ mới này, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại lễ đón chính thức ở Phủ Chủ tịch ngày 10/9 - Ảnh: AP

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại lễ đón chính thức ở Phủ Chủ tịch ngày 10/9 - Ảnh: AP

Một trong những mục tiêu hợp tác được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước là hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế. Cụ thể, về y tế, hai nhà lãnh đạo ghi nhận những đóng góp của hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với đại dịch COVID-19, khẳng định sẽ tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh y tế như ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh toàn cầu khác.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác xử lý hiểm họa dịch bệnh do tiếp xúc giữa con người và động vật, tiếp tục mở rộng tiêm chủng, hỗ trợ các hoạt động y tế công cộng như đào tạo nhân lực về khoa học xét nghiệm và sức khỏe cộng đồng (One Health).

Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ các chương trình ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh HIV và lao phổi thông qua việc hỗ trợ các cơ sở y tế quan trọng của Việt Nam như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm kiểm soát hoàn toàn, chắc chắn dịch bệnh HIV và xóa bỏ bệnh lao phổi vào năm 2030, trên cơ sở phù hợp với các cam kết toàn cầu và chương trình quốc gia của Việt Nam.

Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển ngành Dược nhằm tăng cường hợp tác an ninh y tế toàn cầu. Theo đó, Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhằm tăng mức độ tương thích của các quy định, qua đó giúp Việt Nam đóng vai trò tích cực trong chuỗi cung y tế khu vực và quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9 - Ảnh: Nhà Trắng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9 - Ảnh: Nhà Trắng

Về khí hậu, năng lượng và môi trường, Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ phối hợp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm và hỗ trợ tự nguyện về kỹ thuật liên quan đến việc hiện đại hóa hạ tầng truyền tải điện, tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển thị trường khí hậu, giải pháp lưu trữ năng lượng và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho phép chuyển đổi năng lượng kịp thời và công bằng.

Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước và với các chuyên gia ngoài chính phủ nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp và có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm cũng như sức chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các nỗ lực chuẩn bị ứng phó thiên tai. Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng sạch của Việt Nam.

Tổng thống Biden hoan nghênh các cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ tiên tiến để giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu.

Bên cạnh đó, Tuyên bố chung của Việt Nam - Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, bao gồm: Quan hệ Chính trị - Ngoại giao; Hợp tác Kinh tế - Thương mại - Đầu tư; Hợp tác Số, Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo; Hợp tác Giáo dục - Đào tạo; Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; Văn hóa - Giao lưu nhân dân - Thể thao - Du lịch; Quốc phòng - An ninh; Thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người; Phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế.

 

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021.

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt hơn 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.

Ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 4 quốc gia khác trên thế giới, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, được thiết lập lần lượt vào năm 2008, 2012, 2016 và 2022.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn