Khi da tiếp xúc với kiến ba khoang, hãy rửa sạch vùng da đó bằng xà phòng
Kiến ba khoang lại tấn công người
Diệt kiến ba khoang bằng cồn y tế
Kiến ba khoang vào mùa: Phủi chứ đừng giết
Hà Nội: Khốn khổ vì bị kiến ba khoang "tấn công"
Biểu hiện khi da tiếp xúc với kiến ba khoang
Khi chất độc của kiến ba khoang tiếp xúc với da, vùng da đó sẽ nổi những mụn nước li ti ở giữa, vùng da tiếp xúc với chất độc pederin của kiến ba khoang sẽ có hình tròn hoặc bầu dục. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có cảm giác bỏng rát tại chỗ, sốt nhẹ, nổi hạch lân cận…
Tổn thương do kiến ba khoang có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona. Do không theo dõi sự tiến triển của vết thương và cứ nghĩ bôi càng nhiều thuốc càng tốt khiến vết thương bị loét, tổn thương sâu hơn, lúc này việc điều trị sẽ càng lâu hơn.
Nhiều người thường nhầm lẫn vết đốt do kiến ba khoang với bệnh zona
Sơ cứu khi gặp kiến ba khoang
Theo bác sỹ Vũ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội: "Nếu phát hiện kiến ba khoang, chỉ hất đi hoặc thổi mạnh, không dùng tay trần để bắt, giết. Khi da tiếp xúc với kiến ba khoang, hiện tượng đầu tiên người bệnh gặp phải là ngứa rát râm ran rất khó chịu và kéo dài. Khi đó nhiều người có thói quen gãi vết thương, việc làm này có thể gây bợt da, trầy loét vết đốt, tổn thương sâu. Hơn nữa, tay tiếp xúc với nhiều bề mặt sẽ chứa những bụi bẩn và vi khuẩn gây hại cho những vết thương hở, có thể dẫn tới nhiễm trùng da, nếu kéo dài dẫn tới nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm. Vì thế, tuyệt đối không gãi vết thương do kiến ba khoang".
Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần dùng nước muối sinh lý trung hòa chất độc của kiến (ngày 3 - 4 lần) ngay khi có dấu hiệu nổi mụn nước nhỏ. Sau đó bôi các thuốc làm dịu da như hồ tetrapred. Khi các mụn nước khô thì bôi kem kháng sinh hoặc corticoid.
Nếu như bị kiến ba khoang bò tại nhiều vị trí trên cơ thể cùng một lúc khiến tình trạng nghiêm trọng hoặc sau khi đã thực hiện các bước sơ cứu như trên mà các triệu chứng không giảm, bị nhiễm trùng toàn thân thì cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời.
Khi vết thương phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sỹ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ, chỉ cần sát trùng, nếu trình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, uống thuốc kháng histamine, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Phòng kiến ba khoang cắn như thế nào?
Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Trong khi đó, đặc điểm của loài côn trùng này là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà.
Để hạn chế kiến ba khoang vào nhà, nên hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi có nhiều cây cối, gần cánh đồng… Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang hay xuất hiện nơi có đèn sáng. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Ngoài ra, không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da, có thể rửa vùng da đó bằng nước muối, xà phòng.
Dấu hiệu nhận biết kiến ba khoang:
Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen – vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt... Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa gặt và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, kiến ba khoang bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.
Bình luận của bạn