Làm thế nào khi bé lớp một học trước quên sau?

Học trước quên sau là tình trạng chung của không ít trẻ

Độc chất trong đồ dùng học tập làm giảm chỉ số IQ ở trẻ

Cha mẹ đừng để con "gà mờ" về giới tính

Giáo dục âm nhạc: Nâng cao "Kinh tế sáng tạo"

Đưa dinh dưỡng vào giáo dục học đường

Trả lời:

Thực tế, có nhiều bạn ở cùng trang lứa cũng rơi vào tình trạng như bé nhà bạn. Mặc dù cùng lứa tuổi nhưng các trẻ khác nhau lại có sự phát triển không đồng đều, có những bé có sự phát triển chậm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Vì thế việc tiếp thu kiến thức cũng có sự khác biệt, có những bạn tiếp thu nhanh, có những bạn lại cần giải thích nhiều lần mới có thể hiểu ra vấn đề. Đặc biệt trong độ tuổi này thì các bé có sự chuyển giao từ môi trường chơi là chủ đạo sang học một cách gò bó, vì vậy ở trẻ cũng cần có sự thích nghi, có nhiều trẻ vẫn còn mải chơi chưa chịu tập trung vào việc học. Vậy trẻ ở trong tình huống nào thì sẽ có cách giải quyết khác nhau.

Tình trạng “học trước quên sau” này của con bạn là mới xuất hiện trong thời gian gần đây hay đã từ lâu rồi, từ trước tuổi học bố mẹ đã phát hiện con có dấu hiệu nhớ kém hay chỉ mới phát hiện trong thời gian gần đây thôi? Bởi có trường hợp, sau một sang chấn tâm lý thì trẻ có thể trở nên sợ hãi, thu mình, mất ổn định về mặt tinh thần và học tập trở nên chậm chạp. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là đưa bé đến gặp bác sỹ tâm lý để được hỗ trợ giúp đỡ về mặt tinh thần.

Bạn cũng cần để ý xem con có những dấu hiệu của tăng động giảm chú ý hay không: Nghịch ngợm, hiếu động quá mức và không duy trì được sự tập trung chú ý khi học bài, nghe giảng. Vì vậy bé không thể tiếp thu được bài dạy từ thầy cô, bố mẹ. Nếu có thì nên đưa bé đi kiểm tra lâm sàng về mặt tâm lý để có kết luận chính xác và có can thiệp hợp lý…

Bất kỳ dấu hiệu lạ nào cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến trí nhớ, việc học tập của con nên bố mẹ cần quan tâm, có phát hiện và tìm hiểu để can thiệp kịp thời.

Còn nếu con bạn không thuộc trường hợp nào trong các giả định nói trên thì bạn cần xác định lại xem bé có năng lực học tập như thế nào so với bạn bè trong lớp. Từ đó có đánh giá đúng năng lực của bé và đề ra những phương pháp giáo dục cũng như chuẩn bị tinh thần tốt khi dạy cháu. Tránh tình trạng đánh giá sai năng lực của con, nghiêm trọng hóa vấn đề hoặc kỳ vọng thái quá so với năng lực thực của trẻ mà vô tình gây áp lực cho con.

Nếu con bạn học chậm tiếp thu hơn và hay quên so với trẻ cùng trang lứa thì bạn cần kiên trì trong phương pháp dạy con để giúp cháu nhanh tiến bộ. Nếu bạn nôn nóng chỉ làm tình hình thêm xấu đi, con có thể tự ti, gây cho con áp lực lớn và sợ hãi, chán học, chán tới trường. Vì vậy việc học của bé ngày càng trở nên sa sút.

Bạn kiên trì và có phương pháp, chiến lược giáo dục phù hợp, kích thích sự hứng thú, nâng cao tính tự tin cho bé thì bé sẽ có nhiều cố gắng, phát huy được tốt hơn năng lực của mình. Chẳng hạn: Thay vì học 1-2 lần là nhớ, bạn có thể dạy bé nhiều hơn, thay vì đòi hỏi cao ở con thì với tiến bộ nhỏ bạn cũng nên khích lệ tinh thần của trẻ và khen ngợi để con tự tin, nỗ lực. Bạn có thể dạy con phát triển tư duy qua những trò chơi trí tuệ bên cạnh việc học, dành nhiều thời gian cho con và cũng cần quan tâm tới việc rèn luyện thể chất cho bé để bé có một sức khỏe tinh thần và thể chất tốt để học tập minh mẫn hơn…

Chúc bạn thành công với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái!

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ