Cha mẹ cần kiên trì và khéo léo để trẻ nhận ra lỗi lầm của mình và tự biết kiểm điểm bản thân.
Dạy trẻ tự kỷ: Từ tình yêu đến kỹ năng
Dạy trẻ "Cảm ơn" - một "nghệ thuật" khó
Những quy tắc cơ bản cha mẹ nên dạy trẻ
Dạy trẻ lạc quan và yêu đời
Bé Vi, tám tuổi, con chị Vân hàng xóm của tôi đã lấy của mẹ 200.000 đồng mua món đồ chơi mình thích. Chị Vân phát hiện nhưng chỉ nhẹ nhàng hỏi con: “Mẹ mất một ít tiền để trong ví, không biết con có nhặt được không?”.
Vi lí nhí trả lời: “Con không biết đâu mẹ ạ!”. Vợ chồng chị Vân “giả lơ” một thời gian, không đề cập đến chuyện mất tiền. Đồng thời chị cũng kiểm soát con gái kỹ hơn. Thỉnh thoảng, chị kể con nghe vài câu chuyện về tác hại của thói xấu lấy cắp đồ của người khác. Hơn một tháng sau, dường như đã “thấm”, Vi thẳng thắn nhận lỗi với mẹ sau một hồi khóc thút thít và tự hứa sẽ không tái phạm.
Gia đình chị Vân đã khéo léo đưa bé Vi vào tình huống tự kiểm điểm bản thân, để bé phải tự đối mặt với sai lầm mà mình gây ra và tự giác nhận lỗi. Tôi nghĩ, đó là một trong nhiều phương pháp giáo dục hữu hiệu mà các bậc cha mẹ cần tìm hiểu và vận dụng trong giáo dục con cái.
Tự kiểm điểm những hành vi không đúng của bản thân sẽ giúp trẻ lý giải, hợp tác, quan tâm đến các hành vi xã hội quen thuộc một cách hiệu quả; tạo cơ sở vững chắc cho giao tiếp sau này. Ngoài ra, trẻ cần học cách chịu trách nhiệm với hành vi của mình, trở thành người có năng lực phán đoán chính xác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm còn hạn chế, trẻ rất khó nhận ra những khuyết điểm và đánh giá đúng mức độ của các hành vi sai trái. Đồng thời, trẻ luôn lo sợ làm phật ý khiến cha mẹ không còn yêu thương mình nên rất ngại nhận khuyết điểm.
Do đó, cha mẹ cần dẫn dắt con cái tự kiểm điểm bản thân. Sau khi cha mẹ phát hiện con mắc lỗi thì cần bình tĩnh, không trực tiếp chỉ ra lỗi lầm của con trước mặt người khác, cũng không vội vàng dạy bảo con, mà lựa chọn phương pháp xử lý “tĩnh”, im lặng quan sát. Khi đối diện với con, cha mẹ cũng nên biểu hiện thái độ mềm mỏng, chờ đợi đứa trẻ nhận thức được hành vi sai trái của bản thân. Hãy nhân thời cơ thích hợp đó để giáo dục trẻ.
Cha mẹ cần kiên trì và khéo léo để dạy trẻ tự kiểm điểm bản thân
Khi rèn luyện năng lực tự kiểm điểm bản thân cho con, các bậc phụ huynh cần lưu ý những vấn đề sau:
Không trực tiếp chỉ ra sai lầm của con
Khi trẻ làm sai việc gì, cha mẹ không nên chỉ trích và đánh mắng quá đà. Như vậy dễ gây nên ác cảm ở trẻ, từ đó làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như bi quan, chán nản, ngại tiếp xúc… khiến thế giới nội tâm của trẻ bị ức chế. Cha mẹ nên nhẹ nhàng, gián tiếp tác động đưa trẻ đến tình huống tự giác kiểm điểm bản thân, nhận biết được phải trái, đúng sai.
Cần để trẻ tự giải quyết hậu quả do hành vi của mình gây ra
Khi trẻ em phạm lỗi, phần lớn các bậc cha mẹ do thương con nên bỏ qua hoặc gánh hết trách nhiệm thay con mình. Cách làm đó khiến trẻ nghĩ rằng: “Nếu mình có làm sai thì cũng không sao, thế nào cũng có cha mẹ thay mình chịu trách nhiệm rồi”.
Cha mẹ hãy nên để trẻ gánh lấy hậu quả do mình đã làm để trẻ trải nghiệm sâu sắc rằng, hành vi sai trái của bản thân đã tạo ra những tổn thất không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, con bạn đánh lộn với những đứa trẻ hàng xóm, bị chúng tẩy chay, bạn phải để trẻ có thời gian suy ngẫm hậu quả của những hành vi mình gây ra. Trẻ sẽ buồn phiền, ân hận, day dứt và tìm cách để khắc phục. Nếu nhận thấy trẻ cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn hãy dẫn dắt con những cách để con bạn làm hòa với các bạn.
Cho trẻ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực
Hàng ngày, cha mẹ thường chú ý đến việc giáo dục những biểu hiện cảm xúc tích cực như vui vẻ, lương thiện, yêu đời, tự trọng, khiêm tốn, chăm chỉ, cần cù, luôn quan tâm đến người khác… từ đó, bồi dưỡng cho trẻ có một tâm hồn đẹp.
Cần cho trẻ trải nghiệm một chút cảm xúc tiêu cực để tự đánh giá bản thân
Thực tế cho thấy, nếu giúp trẻ có được những trải nghiệm sâu sắc về những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, xấu hổ, day dứt, chán nản, áy náy, lo lắng, … sẽ cho trẻ thấy được ý nghĩa đích thực khi trẻ có đời sống tình cảm tích cực, nhờ biết tự đánh giá bản thân, biết sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, biện pháp giáo dục này chỉ phát huy hiệu quả khi trẻ mới phạm lỗi lần đầu.
Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ nên để chúng hiểu được sự khác biệt giữa cô độc, xấu hổ, day dứt với cởi mở, chân thành, dũng cảm. Việc này sẽ giúp bản thân trẻ có được khả năng phân biệt đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác. Nếu trẻ làm sai việc gì, cha mẹ hãy kiên trì chỉ ra lỗi lầm của trẻ, khiến trẻ tự kiểm điểm bản thân, kích thích cảm xúc day dứt, xấu hổ. Trong lòng trẻ sẽ diễn ra quá trình tự trách mình và tự hứa sẽ không tái phạm sai lầm tương tự.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận của bạn