Nguyên nhân gây hăm tã ở bé
Dấu hiệu trẻ bị hăm tã không phải lúc nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, nếu vùng da quấn tã của bé bị kích ứng, nổi đỏ thì có thể đó là triệu chứng của hăm. Trong thời gian này khi thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, với các bé phải mang tã (bỉm), cha mẹ cần lưu ý tránh các chứng hăm tã cho bé.
Khu vực da được đóng tã ở bé thường là địa điểm ấm và ẩm ướt, môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Những vùng da có nếp gấp như bẹn của bé cũng dễ bị hăm.
Theo Bác sĩ Ngô Kim Xuân (Bệnh viện Thanh Hóa), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hăm tã ở bé, có thể là kết quả của việc da bé bị chà xát vào bề mặt của tã, đặc biệt, loại tã này được sản xuất kèm những loại hóa chất nhạy cảm với da của trẻ.
Biểu hiện của bé bị hăm tã theo cấp độ từ nhẹ tới nặng.
Có rất nhiều trường hợp khi trẻ bắt đầu ăn dặm cũng có thể xuất hiện dấu hiệu bị hăm, vì lúc này trẻ bắt đầu thời kỳ ăn các loại thức ăn mặn ngọt khác nhau. Thức ăn mới có khả năng làm thay đổi tần suất, thành phần nước tiểu hoặc phân của bé nên có thể dẫn đến bé bị hăm.
Ngoài ra, nếu bé sử dụng kháng sinh (hoặc người mẹ sử dụng kháng sinh trong giai đoạn cho con bú) cũng dễ khiến bé bị mắc chứng hăm. Bởi vì kháng sinh có khả năng làm suy yếu những loại vi khuẩn có lợi trong cơ thể bé, đồng thời với việc giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh cũng có thể khiến bé dễ mắc chứng tiêu chảy - nhân tố làm tăng cơ hội cho chứng hăm tã ở bé.
Cách phòng chống
Bác sĩ Xuân chia sẻ thêm, phần lớn các trường hợp hăm tã ở bé là bình thường, không cần đi khám. Nếu biết chăm sóc, bé có thể vượt qua khó chịu trong vài ngày mà không cần tới bệnh viện.
Tuy nhiên có những trường hợp vùng da trẻ bị hăm có dấu hiệu bị nhiễm trùng (bị đau, ra mủ vàng, phồng da nghiêm trọng),bé bị sốt hoặc vùng da hăm ngày càng nặng nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Để phòng chống hăm cho trẻ các mẹ luôn giữ cho da (nhất là vùng da mông, bộ phận sinh dục) của bé được khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên cho bé mỗi khi trẻ đại tiện hoặc đi tiểu tiện.
Khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi lần, bạn nên kiểm tra tình trạng tã cho bé. Bạn cũng nên giữ vệ sing vùng kín cho bé trong quá trình thay tã. Nên nhớ, bạn chỉ lau rửa nhẹ nhàng và lau khô thay vì chà xát da của bé.
Nếu dùng tã vải, mẹ nên ngâm tã với nước sôi sau khi tã đã được giặt sạch và trước khi tã được mang phơi. Cách này giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn cư trú trên bề của tã.
Giữ cho làn da bé luôn khô thoáng là bí quyết để trẻ không bị hăm tã.
Hiện nay không ít các bậc cha mẹ khi thấy con bị hăm thường dùng phấn rôm thoa vào vùng da phía mông hoặc những nếp gấp quanh mông cho bé, điều này là không tốt bởi trong thành phần của phấn rôm chủ yếu là bột hoạt thạch sẽ làm lỗ chân lông bị bít lại, gây kích ứng nặng hơn. Nếu chẳng may bé hít phải một phần bụi phấn rốm thì sẽ ảnh hưởng đến khí quản của bé. Bên cạnh đó chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh phấm rôm phòng tránh hăm cho trẻ.
Khi thấy con bị hăm các mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn dùng một loại kem hoặc thuốc thích hợp để bôi cho bé.
Trong những ngày trời nắng nóng, các mẹ không nên đóng tã cho bé quá chật đến nỗi không khí khó có cơ hội lưu thông quanh vùng da mông của bé và sẽ làm da bé tiết mồ hôi càng tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn xâm nhập.
Tuy nhiên, dùng tã gì không quan trọng bằng việc phải vệ sinh bằng cách thay tã thường xuyên, lau sạch vùng bẹn và mông bằng nước ấm, để khô hẳn mới mặc tã mới. Làn da khô thoáng, sạch sẽ là yếu tố hàng đầu chống hăm cho bé, bác sĩ Xuân khẳng định.
Bình luận của bạn