Ổn định huyết áp: Ăn gì?

“Kẻ thù” của tăng huyết áp


Giảm lượng muối để phòng bệnh tăng huyết áp

Theo các nhà khoa học, chế độ ăn quá nhiều muối, thịt và mỡ động vật, ăn ít rau xanh, ít rèn luyện thể lực… là những căn nguyên chính khiến số người mắc tăng huyết áp tăng cao. Hầu hết các loại mỡ động vật đều có chứa nhiều cholesterol, khi vào cơ thể sẽ làm cholesterol trong máu tăng lên, dần hình thành các mảng xơ vữa động mạch, làm cho thành mạch kém đàn hồi và dẫn đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó, chế độ ăn mặn cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp, bởi thành phần natri trong muối ăn có ảnh hưởng trực tiếp tới việc giữ nước trong cơ thể. Khi lượng natri nạp vào quá khả năng điều chỉnh của cơ thể, hệ thống động mạch có thể tăng nhạy cảm, làm tăng khả năng co thắt của tiểu động mạch gây tăng huyết áp.


"Các loại thực phẩm chứa nhiều protein, vitamin C và các vitamin nhóm B rất có lợi trong việc phòng tránh và điều trị chứng huyết áp thấp".

(PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị)

Để phòng và giảm biến chứng do tăng huyết áp, cần đặc biệt chú trọng đến việc ăn uống hay xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị tăng huyết áp cần đảm bảo ít natri và giàu kali, hạn chế lượng muối vào cơ thể dưới 6gr/ngày, ăn nhiều rau quả để tăng kali (khi có ít nước tiểu). Hạn chế các thức ăn có tác dụng kích thích thần kinh và tâm thần như rượu, cà phê, trà đặc, các chất béo, đường bột, bánh kẹo… Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng các thực phẩm có tác dụng an thần, hạ áp, lợi tiểu như canh lá vông, hạt sen, ngó sen, chè sen vông, nước rau, nước ngô luộc… “Những thực phẩm mà người tăng huyết áp nên hạn chế ăn bao gồm: Dưa muối, cà muối, tất cả các loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô và ướp muối, patê cá và các món ăn từ cá chế biến sẵn; các sản phẩm chế biến từ sữa như pho mát, bơ mặn và các loại mắm dạng chế biến sẵn, thức ăn phụ, mì gói…”, PGS.TS Trần Đình Toán cho biết.


…là bạn của huyết áp thấp

Đối với những người bị huyết áp thấp, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp huyết áp luôn ổn định và giữ cơ thể khỏe mạnh. Theo PGS.TS Trần Đình Toán, để phòng ngừa và khắc phục tình trạng huyết áp thấp, “Người bệnh nên uống một chút rượu để giúp tim đập mạnh hơn và làm huyết áp tăng lên. Uống cà phê, trà, có thêm một chút đường sẽ tốt cho người huyết áp thấp. Caffein làm cho tim đập mạnh hơn.


Người bị huyết áp thấp cần uống nhiều nước hơn bình thường

Ngoài ra, người huyết áp thấp nên có chế độ ăn mặn hơn bình thường một chút, khoảng từ 10 – 15gr muối/ngày. Ăn đầy đủ các loại thức ăn và đặc biệt không được để bị đói gây đường máu giảm, tụt huyết áp rất nguy hiểm. Nếu người gầy, yếu, nhẹ cân, nên tăng cường bồi dưỡng để tăng cân. Nếu cơ thể thiếu máu, nên ăn thức ăn bổ huyết, bổ máu (người mất máu kéo dài, sau nạo, hút, rong kinh... thường có huyết áp thấp)”.

Bệnh nhân huyết áp thấp cũng cần uống nhiều nước, có thế uống từ 2 - 3 lít nước/ngày. Việc uống đủ nước rất quan trọng, bởi nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi người bị huyết áp thấp đang luyện tập, hoạt động hay làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. Tăng cường ăn nhiều rau, củ, quả, thịt lườn gà và cá trong chế độ ăn hàng ngày. Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính như thông người, người bị bệnh huyết áp thấp nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để giữ huyết áp luôn ở mức ổn định.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp