Doanh nhân Lê Thị Phương: Tạo sự khác biệt để luôn dẫn đầu

DS Lê Thị Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia

Doanh nhân Phan Thế Hải: “Bác sỹ tốt nhất là chính mình”!

Doanh nhân Nguyễn Quang Thái: “Cộng đồng khỏe thì doanh nghiệp khỏe!”

Phát triển kinh doanh bền vững đi liền với sức khỏe cộng đồng

Doanh nhân Lê Thị Biên: Người “bơi ngược dòng”

Doanh nghiệp thực phẩm chưa muốn “sướng”

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chị có thể cho biết thực đơn thường ngày của chị?

Nói chuyện ăn uống à? (cười) không có gì đặc biệt so với mọi người đâu.

Vậy chị có sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) hàng ngày không?

Ô, điều này thì có. Để khỏe mạnh, xinh đẹp hay phòng ngừa bệnh tật đều phải sử dụng TPCN. Tôi sử dụng TPCN hàng ngày để chăm sóc sức khỏe của mình và mọi người trong gia đình. Theo tôi, vẻ đẹp bên ngoài không phải cái đầu tiên mình chú ý, mà điều quan trọng nhất chính là sức khỏe.

Có phải từ khi kinh doanh TPCN chị mới có “ý thức” sử dụng chúng?

Tôi dùng TPCN cách đây khoảng 10 năm, trước thời điểm tôi thành lập công ty. Tôi kinh doanh dược từ năm 2001, vì là một dược sỹ nên thời điểm đó tôi đã tự tìm hiểu về các sản phẩm TPCN và dùng nó để chăm sóc sức khỏe của mình.

Chị có thể cho biết chị đã và đang sử dụng sản phẩm TPCN nào?

Tôi thường uống collagen, sữa ong chúa, viên tảo, Linh chi… Những sản phẩm này chăm sóc sức khỏe từ bên trong giúp tôi khỏe mạnh, trẻ đẹp hơn, luôn tự tin trước ông xã và trong giao tiếp xã hội.

Các sản phẩm TPCN chị sử dụng của nước ngoài hay trong nước sản xuất?

Ngày trước tôi sử dụng hầu hết là các sản phẩm của nước ngoài vì khi đó Việt Nam hầu như chưa sản xuất TPCN. Nhưng hiện nay tôi có sử dụng thêm các sản phẩm sản xuất trong nước, vì cũng có nhiều sản phẩm của Việt Nam chất lượng rất tốt.

Sử dụng TPCN để phòng bệnh đang là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại

Chị chuyển từ kinh doanh dược sang TPCN, phải chăng đây là một xu thế?

Chắc chắn rồi. Tôi thấy người Việt Nam nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là những người dân ở vùng thôn quê, chỉ những khi bị bệnh nặng mới đi chữa. Mà việc dùng thuốc để chữa bệnh là con dao 2 lưỡi đối với sức khỏe. Chính vì vậy, việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe chủ động vẫn là quan trọng nhất. Khi không bị bệnh chúng ta sẽ được nhiều hơn, vừa khỏe vừa không mất tiền. Và TPCN sẽ làm được điều đó.

Tạo ra sản phẩm “luôn đi đầu”

Như vậy dòng sản phẩm mà chị hướng tới là chăm sóc sức khỏe?

Xét về khía cạnh bản thân tôi sẽ lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng xét về khía cạnh kinh doanh tôi lại lựa chọn theo nhu cầu thị trường, phù hợp với khả năng và phải tìm được đầu vào của sản phẩm đủ điều kiện (sản phẩm được nghiên cứu đầy đủ, nhà máy sản xuất phải đảm bảo tuân thủ GMP trong sản xuất TPCN, hiệu quả tốt). Khi tìm được sản phẩm có chất lượng tốt tôi mới đưa sản phẩm ra thị trường. Vì một sản phẩm muốn sống được, muốn kinh doanh được thì yếu tố chất lượng phải là hàng đầu, tiếp đến mới là các chiến lược quảng cáo, marketing sản phẩm. 

"Các công ty kinh doanh TPCN tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh không lành mạnh. Sự cạnh tranh về giá, không quan tâm đến chất lượng làm xuất hiện nhiều hàng nhái, kém chất lượng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng".

(DS.Lê Thị Phương)

Đến nay chị đã phân phối độc quyền được bao nhiêu sản phẩm?

Công ty Vinh Gia đang phân phối độc quyền 8 sản phẩm TPCN.

Chắc chị biết người tiêu dùng thường ngại với các sản phẩm phân phối độc quyền vì giá cao?

Chúng tôi là nhà tiếp thị và phân phối, chúng tôi độc quyền về nhãn hàng, không phải độc quyền về ngành hàng. Đây là xu thế của xã hội.

Nhưng nếu nhà sản xuất để nhiều nhà phân phối cùng phân phối 1 sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ được lợi hơn?

Điều này chưa chắc đã đúng. Bởi, nếu nhà sản xuất để nhiều nhà phân phối cùng phân phối 1 sản phẩm thì các nhà phân phối sẽ tranh nhau thị phần và không làm truyền thông. Như vậy người tiêu dùng sẽ không có cơ hội để hiểu về các sản phẩm mà mình sử dụng.

Vậy với tư cách là người làm thương hiệu cho sản phẩm, chị có thích mô hình làm “độc quyền” này không?

Ở đây không gọi là thích, mà đây là điều kiện cần và đủ để một sản phẩm đưa ra thị trường. Chi phí cho truyền thông là quan trọng nhất. Có những thời điểm doanh nghiệp chấp nhận lỗ để làm thương hiệu, nhưng người ngoài cuộc không thể hiểu được điều này.

Có bao giờ công ty chị đặt hàng nhà sản xuất không?

Chúng tôi vẫn luôn là người tìm kiếm đầu ra và đặt hàng nhà sản xuất. Ví như sản phẩm Vipteen tăng trưởng chiều cao. Ý tưởng này của tôi được nhen nhóm từ năm 2010 và thương hiệu Vipteen đã được bảo hộ Sở hữu trí tuệ từ năm 2010. Nhưng để sản phẩm có mặt trên thị trường thì phải đến cuối năm 2013. Đối với trẻ tại thời điểm dậy thì rất cần được chăm sóc để phát triển toàn diện nhưng nhiều cha mẹ lại không thấy được điều đó. Trên thị trường lại có rất ít sản phẩm dành cho trẻ tuổi dậy thì. Do đó, tôi thấy đây là một lỗ hổng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và đã thực hiện ý tưởng sản xuất sản phẩm này.

Phải chăng đây là “tố chất” của một nhà làm thương hiệu?

Chính xác! Vì điều này mới tạo ra được sự khác biệt của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác. Tạo ra lợi thế luôn dẫn đầu, luôn đi trước.

Thương hiệu sản phẩm là “tài sản” của Vinh Gia và chúng tôi phải có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm. Do đó, chúng tôi có quyền lựa chọn nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu chất lượng và thay đổi khi cần thiết. Sản phẩm đó là của chúng tôi, chúng tôi đặt gia công tại những nhà máy có đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn thực phẩm để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Nếu như vậy việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sẽ thế nào?

Nguồn nguyên liệu sẽ được nhập qua nhà máy sản xuất, nhưng có sự can thiệp, giám sát của Vinh Gia, bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của chúng tôi. Bạn có thể thấy trên thị trường có nhiều sản phẩm có thành phần gần giống nhau, nhiều sản phẩm được làm nhái, có giá rẻ hơn nhưng chất lượng không tốt do chất lượng của nguồn nguyên liệu.

Nhà máy sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm

Rất cần phải thử nghiệm lâm sàng

Khi chuẩn bị cho ra đời một sản phẩm chị quan tâm nhất là vấn đề gì?

Đầu tiên phải là nhu cầu của thị trường, tiếp đó là chất lượng sản phẩm. Trước khi đưa một sản phẩm ra thị trường phải quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, an toàn thì sản phẩm mới "sống" được. Nếu sản phẩm không an toàn, không hiệu quả thì người tiêu dùng sẽ loại bỏ mình.

Cho đến nay cơ quan quản lý mới kiểm soát được phần lớn độ an toàn của sản phẩm, còn chất lượng hầu như không kiểm soát được? Là một nhà sản xuất, chị nghĩ gì về vấn đề này?

Hiện các cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm vì luật quy định như vậy, vì đây không phải là thuốc và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng. Người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng, sử dụng thấy hiệu quả thì họ sẽ tiếp tục lựa chọn sử dụng, còn ngược lại, họ sẽ tự động loại bỏ.

Nhưng, với người tiêu dùng họ không thể biết được sản phẩm nào là tốt để sử dụng. Nếu dùng được 6 tháng mới phát hiện sản phẩm không hiệu quả thì họ đã phải mất 1 khoản tiền khá lớn. Và nếu thử sử dụng vài sản phẩm thì số tiền họ phải bỏ ra là bao nhiêu?

Vậy nên mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa thông tin đúng về chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng tìm kiếm những thông tin này không khó, bởi các doanh nghiệp đều đưa ra rất nhiều thông tin về sản phẩm của mình và quan trọng người tiêu dùng phải lựa chọn những nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy.

Tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ đỡ mất tiền oan nếu các sản phẩm TPCN thử nghiệm lâm sàng. Quan điểm của chị về vấn đề này?

Nên thử nghiệm lâm sàng cho các sản phẩm TPCN. Đây là những đánh giá chính xác, doanh nghiệp nào làm được những thử nghiệm lâm sàng và những kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố là những thông tin cực đắt và uy tín.

Vậy có cần kê đơn TPCN không?

Tôi thấy kê đơn để bệnh nhân hiểu nhầm là thuốc là không nên. Nhưng việc bác sỹ hướng dẫn để bệnh nhân sử dụng sản phẩm cho đúng, hiệu quả lại là điều cần thiết. Bởi, đến chế độ ăn uống bác sỹ còn hướng dẫn nữa là sử dụng TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh. Vì vậy, ý kiến của tôi là vẫn nên để bác sỹ kê đơn hướng dẫn bệnh nhân sử dụng TPCN và bác sỹ cũng phải ghi rõ đây là TPCN không phải là thuốc.

Có thể ghi dưới đơn thuốc nên dùng thêm TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh. Việc hướng dẫn sẽ giúp người dân hiểu đúng và dùng đúng sản phẩm.

Chị đánh giá thế nào về chất lượng của sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu?

Cái này là rất khó, bởi nó còn căn cứ vào nguồn nhập ở đâu và nguồn sản xuất trong nước là ở đâu. Từ góc độ kinh doanh, tôi nghĩ mình phải khẳng định thương hiệu, chất lượng và uy tín của sản phẩm, chứ không phải nguồn từ đâu. Chất lượng sản phẩm không thể căn cứ vào sản phẩm từ quốc gia nào mà phải căn cứ vào nhà sản xuất nào, cơ sở kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm, công thức bào chế…

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

“Tôi không dám bàn về “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng cách đối với các doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật thì ngay lập tức phải loại bỏ khỏi thị trường”.
(DS Lê Thị Phương) 
Linh Ly H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện