BS Nguyễn Anh Tuấn - BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết, người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng có sống mũi thấp, ngắn, thường kèm chóp mũi to, cánh mũi rộng và dày, làm cho khuôn mặt không thanh và sắc nét. Trên phương diện thẩm mỹ, hình dạng sống mũi quyết định nhiều đến vẻ đẹp của khuôn mặt. Người có sống mũi đẹp thì khuôn mặt hài hòa; ngược lại, với một sống mũi xấu, khuôn mặt sẽ tệ đi rất nhiều dù các bộ phận khác đẹp.
Kỹ thuật phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi đã có từ lâu đời. Tại Việt Nam, phương pháp tạo hình sống mũi bằng vật liệu nhân tạo (silastic) được thực hiện nhiều nhất, vì kỹ thuật đơn giản, dễ làm, giá cả cũng hợp với túi tiền so với thu nhập của số đông. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều nhược điểm như: dễ nhiễm trùng, dị ứng, mỏng da, lộ sống mũi… Những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp đòi hỏi cao hơn, sống mũi không chỉ được độn cao mà chóp phải thon, cánh mũi nhỏ, sống mũi tự nhiên. Để đạt được các yêu cầu này đòi hỏi nhiều thay đổi.
Để tạo chóp mũi thon gọn, không bóng đỏ, không lộ sống mũi và ít bị nhiễm trùng vết mổ, các phẫu thuật viên thường sử dụng sụn của bệnh nhân. Sụn tự thân được lấy từ vách ngăn, vành tai hoặc sụn sườn. Điều này khiến cuộc mổ kéo dài và bệnh nhân phải gây mê toàn thân. Có người lo lắng sau một thời gian, sụn tự thân sẽ tự thoái hóa. Tuy nhiên, khi được phẫu thuật đúng kỹ thuật, thao tác nhẹ nhàng, vùng mũi vốn là nơi có mạch máu nuôi phong phú nên tỷ lệ sụn thoái hóa cực thấp. Để hạn chế việc lấy sụn tự thân, gần đây, một công ty dược sản xuất ra các sụn nhân tạo để thay thế. Kết quả bước đầu là tốt, tuy nhiên cũng cần phải theo dõi một thời gian dài nữa để đánh giá chính xác hơn.
Để độn cao sống mũi, việc sử dụng Gore-tex thường được đề cập. Gore-tex giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng, giảm tỷ lệ dị ứng sau mổ. Gore-tex như giàn khung, giúp kích thích nhiều mô sợi mọc theo, sau 5-10 năm, khi mô sợi đã thay thế hoàn chỉnh, chất liệu này tự tiêu đi. Tuy nhiên, giá thành Gore-tex cao nên chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
Đường mổ
Để nâng mũi, các kỹ thuật viên thường phải rạch da theo kỹ thuật mổ mở, nghĩa là rạch da từ bên trong cánh mũi này sang bên trong cánh mũi kia. Đường rạch phải đủ rộng để phẫu thuật viên dễ dàng can thiệp bên trong, giúp chóp mũi dài hơn, cao hơn và đẹp hơn. Điều này gần như không thực hiện được với đường rạch da nhỏ trước kia. Người làm đẹp không nên lo lắng về sẹo mổ, vì sau mổ, phần lớn sẹo mổ đều đẹp, đặc biệt với các bệnh nhân có làn da trắng, vết mổ gần như mất đi sau vài tháng.
Phương pháp mổ
Người làm đẹp mũi thường yêu cầu kết hợp nâng cao sống mũi với thu nhỏ cánh mũi, thu hẹp nền mũi. Điều này thực hiện không khó, nhưng cũng không dễ có kết quả tốt. Nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật có cánh mũi nhỏ gọn, nhìn rất đẹp, nhưng lại xuất hiện bệnh nghẹt mũi, khó thở, hoặc ngược lại, sau mổ cánh mũi vẫn quá rộng. Ở một số trường hợp, cánh mũi bệnh nhân căng đứng, mất độ cong, nhìn không tự nhiên. Nhiều trường hợp cánh mũi hai bên không đều, bên lớn bên nhỏ, “bên đứng bên nằm”.
Để có chiếc sống mũi hoàn hảo, một số bệnh nhân phải đục xương mũi và chỉnh hình xương để bề ngang sống mũi thanh, gọn. Sau chỉnh hình xương mũi, bệnh nhân được nhét một đoạn mèche trong mũi từ ba-năm ngày để cố định xương gãy. Bệnh nhân có thể về ngay trong ngày, sau đó, khi tái khám, bác sĩ sẽ rút mèche mũi.
Bình luận của bạn