Làm thế nào để ngừa chứng nghiến răng khi ngủ?

Nghiến răng khi ngủ là hành động được làm trong vô thức không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ răng hàm mặt mà còn ảnh hưởng tới người xung quanh

Bí quyết chữa chứng nghiến răng hiệu quả

Thói quen xấu khiến bệnh nghiến răng thêm nặng

4 rối loạn giấc ngủ thường gặp và cách khắc phục

Video: 7 mẹo giảm nghiến răng khi ngủ tại nhà

Nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng

Căng thẳng, tức giận và lo lắng được xem là những "kẻ thù số một" của hàm răng. Khi căng thẳng, cơ thể chúng ta có những phản ứng tự nhiên như nắm chặt tay, cứng cơ... và hàm răng cũng không ngoại lệ. Theo Tiến sĩ Karin Grinbaum đồng thời là Bác sĩ nha khoa tại New York, các cơ hàm sẽ co thắt lại khi chúng ta căng thẳng. Điều này giải thích lý do tại sao sau đại dịch COVID-19, với những áp lực vô hình, số lượng bệnh nhân bị tổn thương răng do nghiến hàm tăng lên đáng kể.

Không chỉ căng thẳng, một số chất kích thích cũng là thủ phạm gây nghiến răng. Theo Tiến sĩ Steven Katz, một chuyên gia về nội nha thì rượu, caffeine và nicotine có thể làm tăng hoạt động của cơ hàm. Các chất này kích thích cơ thể khiến các cơ, bao gồm cả cơ hàm co thắt mạnh hơn. Đó là lý do tại sao nhiều người cảm thấy tỉnh táo hơn sau khi uống cà phê nhưng đồng thời cũng dễ gặp hiện tượng nghiến răng hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Đại học Tohoku – Nhật Bản đã chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng ngưng thở khi ngủ, có liên quan mật thiết đến tình trạng nghiến răng. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường nghiến răng nhiều hơn so với người bình thường. Điều này cho thấy việc điều trị chứng ngưng thở có thể giúp giảm thiểu tình trạng nghiến răng. Cũng theo Tiến sĩ Katz, các chuyên gia nha khoa và bác sĩ thường phối hợp điều trị để giải quyết cả hai vấn đề này, từ đó giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn và giảm thiểu tình trạng nghiến răng.

Hậu quả của chứng nghiến răng

Những người nghiến răng thường phải đối mặt với những cơn đau nhức khó chịu ở vùng mặt, tai và cổ vào mỗi buổi sáng. Đau đầu cũng là một triệu chứng phổ biến. Tiến sĩ Grinbaum giải thích: “Khi nghiến răng, các cơ mặt, cổ đều bị căng cứng, gây ra những cơn đau này”. Thật đáng ngạc nhiên khi nhiều người đã đi khám các bác sĩ khác nhau mà không tìm ra nguyên nhân, cho đến lúc phát hiện ra rằng nguyên nhân gốc rễ là do thói quen nghiến răng.

Nghiến răng kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho răng miệng bao gồm tụt lợi, răng nhạy cảm, nứt răng thậm chí mất răng và hạn chế khả năng mở miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn và gây ra những biến chứng khó khắc phục. Tiến sĩ Grinbaum cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm: "Đừng đợi đến khi răng bị gãy mới tìm cách khắc phục, hãy bảo vệ răng của bạn ngay từ bây giờ”.

Làm thế nào để ngừng nghiến răng?

Các chuyên gia về răng hàm mặt cho biết, nghiến răng là một thói quen khó bỏ. Đặc biệt là khi bạn không nhận thức được bạn có thói quen đó. Nhưng nếu khi biết mình bị nghiến răng bạn có thể khắc phục với các mẹo sau:

Thực hành chánh niệm

Việc thư giãn là chìa khóa để giảm thiểu tình trạng nghiến răng. Khi bạn thư giãn, cơ thể sẽ tự động giải tỏa căng thẳng, từ đó giảm hiện tượng nghiến hàm. Tiến sĩ Grinbaum gợi ý: "Hãy thử tập thiền, yoga hoặc đơn giản là không xem TV trước khi ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn." Hít thở sâu cũng là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và ngăn ngừa nghiến răng. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, hãy thử tập trung vào hơi thở của mình.

Đảm bảo sự cân bằng khi nghiến

Cắn lệch (nhai lệch) có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn nghiến răng. Tiến sĩ Grinbaum giải thích: “Khi cắn không đều, nhiều người cảm thấy khó chịu và vô thức nghiến răng để tìm kiếm sự cân bằng”. Nếu bạn nghi ngờ rằng cắn lệch là nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng, hãy tham khảo ý kiến của nha sĩ. Nha sĩ có thể điều trị bằng các phương pháp như niềng răng trong suốt (Invisalign) hoặc niềng răng truyền thống. Việc điều chỉnh lại khớp cắn hoàn toàn có thể giúp giảm thiểu tình trạng nghiến răng.

Sử dụng biện pháp bảo vệ

Máng bảo vệ hàm tùy chỉnh được coi là giải pháp tối ưu cho người nghiến răng. Các chuyên gia cho biết, máng chống nghiến răng sẽ tạo ra một lớp đệm giữa các răng, giúp giảm ma sát và bảo vệ răng khỏi bị mòn. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn thói quen nghiến răng, nhưng máng bảo vệ sẽ giúp giảm thiểu lực tác động lên răng và làm giảm nhu cầu nghiến răng.

Máng chống nghiến có khá nhiều loại với nhiều giá thành khác nhau, giao động trong khoảng từ 400.000 đồng - trên 1.000.000 đồng

Máng chống nghiến có khá nhiều loại với nhiều giá thành khác nhau, giao động trong khoảng từ 400.000 đồng - trên 1.000.000 đồng

Sử dụng thuốc giãn cơ hoặc botox

Đối với những trường hợp nghiến răng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ hoặc tiêm Botox. Thuốc giãn cơ giúp làm giảm căng cứng cơ hàm, từ đó giảm thiểu tình trạng nghiến răng. Tiến sĩ Katz cho biết: “Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tiêm Botox vào cơ hàm có thể giúp giảm tần suất và cường độ nghiến răng, đồng thời giảm đau”. Đây là những lựa chọn điều trị hiệu quả mà bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Áp dụng bài tập giảm nghiến răng

Tiến sĩ Ryan Doyle - một Nha sĩ tại Boise, Idaho đã đưa ra khuyến nghị về các bài tập hàm đơn giản nhưng hiệu quả để giảm căng thẳng và tình trạng nghiến răng.

Một trong những bài tập cơ bản là trượt nhẹ hàm dưới về phía trước và giữ trong 10 giây. Lặp lại động tác này 10 lần sẽ giúp thư giãn các cơ hàm. Ngoài ra, việc đặt lưỡi lên vòm miệng cũng là một cách hữu hiệu để giảm căng thẳng cho hàm. Tiến sĩ Doyle nhấn mạnh rằng, sự kiên trì là yếu tố quan trọng, nên thực hiện các bài tập này ít nhất 2-3 lần mỗi ngày.

Trong trường hợp tình trạng nghiến răng của bạn không được cải thiện, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia và bác sĩ có uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh làm ảnh hưởng sâu đến sức khoẻ.

 
Hà Chi (Theo Time)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt