Những quyết sách vì sức khỏe nhân dân

Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (Ảnh VGP)

Dược phẩm Phương Đông bị phạt nặng do vi phạm quy định lưu hành thuốc

Uống Trihex trị run tay cùng TPBVSK Vương Lão Kiện được không?

Tránh đau cổ, đau lưng do ngủ sai tư thế

Bà bầu uống rượu bia, thai nhi sẽ chịu tác động xấu

Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội Khóa XV vừa kết thúc ngày 9/1, sau 4 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai này sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 nghị quyết gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024; Nghị quyết về Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội (các ông Phạm Bình Minh và Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản VN), phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là các ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam theo nguyện vọng cá nhân, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.

Empty

Với gần 80% số đại biểu tán thành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được thông qua (Ảnh VGP)

Như vậy, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Khóa XV này, Quốc hội đã thông qua một số quyết sách liên quan đến sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đầu tiên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành.

Như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong cuộc họp báo khi kết thúc kỳ họp, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung 3 quy định rất quan trọng đối với cơ chế tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Một là, bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Hai là, bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ba là, quy định giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Ông Cường cũng cho biết, đúng là các quy định này còn mang tính chất nguyên tắc, nhưng trong điều kiện hiện nay, đây là phương án hợp lý, khả thi và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho thấy, các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau từ luật đến nghị định của Chính phủ như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tác công tư; Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tác công tư; Luật Tổ chức tín dụng; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính; Luật Giá; Luật Bảo hiểm y tế... Các quy định này hiện cũng đang có những vướng mắc nhất định và cần phải được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, chính vì vậy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù trong lĩnh vực y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc trong thực tế để khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện thì sẽ kết nối thực hiện được ngay. Sau khi Quốc hội thông qua Luật, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết theo yêu cầu của Luật để bảo đảm giải quyết được những vướng mắc trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, về lâu dài, để có thể giải quyết một cách triệt để những vướng mắc, những yêu cầu đặt ra trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thì Chính phủ cũng cần khẩn trương nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho hay: “Sau ba kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...”.

Empty

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ có ảnh hưởng tới lợi ích căn bản của mỗi người dân (Ảnh VGP)

Ông Phạm Thái Hà nhấn mạnh, với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh, của người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm cơ sở pháp lý để tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024.

Để bảo đảm Luật vừa được Quốc hội thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi, đặc biệt là những nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật; đặc biệt cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong phát biểu bế mạc Kỳ họp diễn ra ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, đề nghị việc tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. 

 
Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý