Mặn hơn muối, cay hơn gừng

Câu chuyện gừng ở Kỳ Sơn vẫn đang là bài toán được mùa mất giá với người nông dân

Tăng cân đột ngột có thể cảnh báo một số bệnh lý

8 biện pháp ngăn ngừa gốc tự do

Mẹo ngủ ngon trong những đêm nóng bức

Cảnh báo quảng cáo TPBVSK NANO FUCOIDAN có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Bạn tôi là người hay chữ, hay nghĩa, nhất là những gì gần gũi với đời sống thường ngày thì chữ nghĩa càng có dịp phát tác. Một lần cả nhóm ăn cơm xong, đang nhận xét chuyện mặn/nhạt/ đắng/cay của những món ăn ngon, bỗng nói rất nghiêm túc, rằng cha ông ta ngày xưa sống khó khăn, thiếu thốn, nhưng chữ nghĩa thì giàu có vô cùng, hay vô cùng.

Này nhé, chỉ mỗi chuyện củ gừng, lá gừng mọc trong vườn nhà, vườn đồng, không chỉ là loại gia vị cay nóng cho mọi bữa ăn, không chỉ là vị thuốc có thể chữa được gần dăm chục loại bệnh tình, mà còn biến thành những câu ca dao, tục ngữ ai ai cũng nhớ, cũng thuộc, cũng thấm thía, nằm lòng.

Từ ban đầu chuyện thường ngày “Vào vườn lấy củ gừng thơm/Trở vô cháo nóng múc lên bát đầy/Tía tô, hành với gừng này/Cho vào cháo nóng bưng ngay lên giường” hay “Rau cải nấu với cá rô/Gừng thêm một lát cho cô giữ chồng” như một bài thuốc, món ngon dễ làm, dễ nhớ ai ai cũng có thể áp dụng trong nhà mình, cho chính mình, dần đi đến những câu chuyện lớn lao hơn của tình cảm, tình yêu, tình vợ chồng muôn thuở, đầu bạc răng long.

Đó là khi tình cảm có “vấn đề” với một lời trách cứ sâu xa “Chẳng thương, chẳng nhớ thì đừng/Lại còn đem đổ nước gừng cho cay”; là khi tình ý chưa rõ rành, tỏ bạch, dùng dằng “Nửa về nửa muốn ở đây/Nửa thơm như quế, nửa cay như gừng”; là khi ngọn nguồn chung nhau “Trời mưa nhỏ giọt đọt gừng/Đôi ta từ nhỏ đã từng thương nhau”; là khi nên vợ, nên chồng cùng vượt qua nghèo khó, trắc trở để trở nên bền chặt, mặn nồng với câu ca ngàn vạn người nhớ, người thuộc “Tay nâng bát muối, đĩa gừng/Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”. “Gừng cay, muối mặn” đi liền với nhau, sánh đôi với nhau, bổ sung cho nhau, tôn cao nhau lên trong cuộc sống, chính là tình yêu vợ chồng qua tháng, qua năm, qua khó khăn, thử thách để càng khăng khít, nồng đượm.

Thơ ca khuyết danh không nói rõ nhưng ai ai cũng hiểu điều đó, thấm thía điều đó như một chân lý giản dị trong cuộc sống. Thơ ca hiện đại tiếp tục nói rõ điều từng thấm đẫm trong đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn” (Nguyễn Khoa Điềm/Đất Nước/Mặt Đường Khát Vọng). Hạt muối, củ gừng giản đơn là vậy nhưng gắn bó từng phút, từng giây với cuộc sống của con người, từ đó được nâng lên thành những thành ngữ, tục ngữ thấm đượm tình cảm của con người, gắn bó chặt chẽ với những thăng trầm của cuộc sống con người qua nắng lửa, bão giông, qua ấm lạnh thường ngày.

Cuộc sống của diêm dân trên những cánh đồng muối vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn

Cuộc sống của diêm dân trên những cánh đồng muối vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn

Trải qua quá trình chống chịu thiên tai, giặc dã và vượt qua những cản trở từ chính mình, con người càng thấm thía hơn bao giờ hết những đắng/cay/mặn/ngọt như một phần tất yếu của cuộc sống. Đến lượt những thăng trầm của cuộc sống con người cũng “vận” vào chính… củ gừng, hạt muối!

Bạn tôi trầm ngâm hồi lâu rồi nói như tự hỏi mình, hỏi mọi người: Bây giờ có gì rẻ rúng hơn hạt muối, có ai vất vả, nhọc nhằn hơn diêm dân? “Trời xanh, muối trắng, nắng vàng/Thứ gì cũng đẹp, riêng nàng lầm than” là chuyện thường ngày, kéo dài từ bao đời nay. Tiếng rao “muối ơ” vang lên ở thôn cùng, xóm vắng nhưng mấy khi nghe tiếng đáp lại vồn vã, cần kíp? Có một bộ phim truyền hình “Mặn hơn muối” nổi tiếng nhiều người biết, từng đặt ra câu chuyện mặn mòi về đời sống khó khăn của người làm muối, là một sự thật còn “mặn hơn muối” nhưng từ bấy đến nay mọi việc vẫn không có chuyển biến là bao!

 

 Còn chuyện củ gừng ở vườn nhà, vườn đồng và gần đây ở vườn rừng Kỳ Sơn cũng đang có nhiều điều để nói, để thấm thía rằng “cay hơn gừng”. Đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây biết các loại gừng sừng trâu, gừng gié địa phương chất lượng tốt hơn nhiều nơi khác, nên đầu tư công sức trồng, chăm và hy vọng sẽ là một trong những “cây làm giàu” trong một ngày không xa. Gừng phát triển nhanh, năng suất cao, ai ai cũng mừng khấp khởi. Nhưng rồi gừng không có khách mua, tiêu thụ tại chỗ không đáng là bao, ế chỏng ế chơ, phải kêu gọi “giải cứu” như mận, như hành tăm… Mới đây, tin mừng ập đến khi gừng được thu mua xuất khẩu, giá tăng vọt từ 5.000-10.000 đồng/kg năm trước lên tận 25.000-30.000 đồng, thì lại không có mà bán, bà con phải đi “mót” mà tiếc hùi hụi. Ấy vậy nhưng ai mà dám chắc mùa gừng tới đây sẽ giữ được giá để mở mang diện tích, sản lượng? Xin đừng quên rằng, khi không có “đầu ra” ổn định, không được bao tiêu sản phẩm thì gừng Kỳ Sơn cũng như bất cứ nơi đâu sẽ chỉ khiến cho nỗi lòng của người trồng gừng càng…cay hơn mà thôi.

Chợt nghĩ tới chuyện nhiều người có dịp đi ra nước ngoài hẳn biết về “Kỳ tích Israel” ở vùng sa mạc, vùng Biển Chết, nơi muối mặn nhất thế giới, không có sinh vật nào sống được. Khó khăn đến thế nhưng từ đây, người Israel đã vượt khó, sáng tạo nên nhiều loại sản phẩm hảo hạng từ muối biển, nước biển, thu hút đông đảo du khách trên toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là biển mặn, muối mặn ở nước ta, quê ta không thiếu nhưng vì sao câu chuyện “muối mặn, gừng cay”, những lợi thế tiềm tàng từ biển, từ rừng bao đời nay vẫn chỉ là… ca dao, tục ngữ, là mong mỏi, nguyện cầu, là nghĩa tình sâu nặng trong khốn khó chứ chưa phải là một sự đổi thay, tiến bộ, một cuộc sống sung túc, sang giàu? Phải chăng bên cạnh câu chuyện đáng trọng “Đôi ta nghĩa nặng, tình dày/Dù xa nhau đi chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” phải đi liền với câu chuyện mới mẻ, hiện đại về những sản phẩm công nghiệp từ nguồn nguyên liệu vô tận, từ muối mặn, gừng cay, như cách người Israel, người Nhật Bản đã vươn lên như những bài học quý cho chúng ta hôm nay và ngày mai?

 

Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ