Quốc gia lần đầu bùng phát COVID-19 kể từ khi có đại dịch

Quần đảo Marshall ở phía Bắc Thái Bình Dương, là một trong những quốc gia cuối cùng bị COVID-19 tấn công - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thủ tướng: Chống dịch COVID-19 hiệu quả để tiếp tục phát triển kinh tế

Chuyên gia Mỹ cảnh báo đối với người không "cập nhật" vaccine COVID-19

Số ca mắc COVID-19 nặng tăng nhanh, biến thể mới có đáng lo?

Chuyên gia Mỹ cảnh báo đối với người không "cập nhật" vaccine COVID-19

Sau khi "né tránh" đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua, quần đảo Marshall đang phải "vật lộn" để kiểm soát sự lây lan như "cháy rừng" của biến thể Omicron với số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần kể từ khi các ca trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện cách đây 1 tuần ở quốc gia này.

Theo ABCNews, số ca COVID-19 tại thành phố 22.500 dân đã tăng vọt lên 2.800 ca, kể từ khi ghi nhận một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ ngày 8/8.

Bộ trưởng Y tế Jack Niethendal cho biết, 1000 trường hợp đã được báo cáo tại thủ đô Majuro vào 14/8, con số này “gần như gấp đôi so với ngày hôm trước”.

Theo ông Niedenthal, “tỷ lệ dương tính cực kỳ cao” là tình trạng đang diễn ra ở nơi đây khi mà  khoảng 75% các xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả dương tính.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn nhất của đợt bùng phát ngay bây giờ ở Majuro. Điều thuận lợi đó là chúng tôi đã có kiến thức dịch tễ học về cách thức lây lan của biến thể Omicron từ các quốc gia đi trước: virus lây lan như cháy rừng", Bộ trưởng Y tế Jack Niedenthal cho biết hôm 15/8.

Cuối tuần trước, Tổng thống Quần đảo Marshalls David Kabua đã ban bố tình trạng thảm họa y tế quốc gia để chính phủ có thể tiếp cận với nguồn tài trợ khẩn cấp. Cho đến nay, đã có 3.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, 4 ca tử vong và 7 ca nhập viện, trong tổng số khoảng 42.000 dân trên khắp các hòn đảo, theo ABCNews.

Quốc đảo phía Bắc Thái Bình Dương này có tỷ lệ tiêm chủng là 70% người dân từ 6 tháng tuổi trở lên. Đây cũng là đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên của đất nước này trong 2 năm đại dịch. Trước đó, kể từ 8/3/2020, vài ngày trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu, quần đảo Marshall đã cấm nhập cảnh bằng đường bộ và đường biển, bao gồm cả khách quốc tế và người dân trở về từ các chuyến đi nước ngoài. Việc vận chuyển hàng hóa cũng được siết chặt trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.

Nhờ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, quốc đảo này không phát hiện bất cứ ca nhiễm cộng đồng nào trong vòng 2 năm qua, khi toàn cầu vật lộn với đại dịch. Ông Jack Niedenthal cho biết, việc nhanh chóng đóng cửa biên giới đã làm trì hoãn sự xuất hiện của COVID-19, dành thời gian để tổ chức và chuẩn bị.“Đây là một nỗ lực toàn diện của cộng đồng" - ông Niedenthal nói. Tuy nhiên, hiện số trường hợp dương tính đã tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn.

Quốc đảo Marshall nhận được một khoản tài trợ các trang thiết bị bảo hộ y tế đến từ Đài Loan vào đầu tháng 8/2022 - Ảnh: Jack Niedenthal

Quốc đảo Marshall nhận được một khoản tài trợ các trang thiết bị bảo hộ y tế đến từ Đài Loan vào đầu tháng 8/2022 - Ảnh: Jack Niedenthal

Bộ trưởng Y tế Marshall Jack Niedenthal cũng cho biết, bài học kinh nghiệm số một khi xem các quốc gia khác phản ứng với các làn sóng COVID-19 tấn công là ưu tiên "bảo vệ bệnh viện".

"Bài học quan trọng nhất rút ra từ kinh nghiệm các nước phản ứng với làn sóng đại dịch tấn công là bảo vệ bệnh viện trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID-19. Điều này là để bảo vệ cả những bệnh nhân đã ở trong bệnh viện khỏi bị lây nhiễm bởi những bệnh nhân đến và giảm thiểu sự tiếp xúc của nhân viên bệnh viện để họ có thể tập trung vào việc xét nghiệm và điều trị", theo RNZ.

Chính phủ Marshall cũng tuyên bố ngừng đi du lịch bằng máy bay hoặc tàu thủy đến các hòn đảo xa xôi bên ngoài với hy vọng hạn chế sự lây lan của virus sang các hòn đảo chỉ có các dịch vụ chăm sóc y tế thô sơ.

Biến chủng phụ BA.5 của Omicron là nguyên nhân chính gây ra đợt bùng phát hiện nay, lây lan rộng ở thủ đô Majuro và đảo Ebeye - thuộc đảo san hô Kwajalein, cộng đồng đông dân nhất ở Quần đảo Marshall. Bộ trưởng Y tế Niedenthal cảnh báo, hòn đảo nhỏ bé này có thể sẽ chứng kiến làn sóng gia tăng ca nhiễm trong thời gian tới. Người dân cũng được khuyến cáo nên đeo khẩu trang và duy trì các biện pháp phòng dịch như giữ khoảng cách an toàn ở cả không gian công cộng trong nhà và ngoài trời.

Việc nới lỏng các quy định phòng dịch trong những tuần gần đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đợt bùng phát COVID-19 này. Chính phủ trước đó đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới và bỏ biện pháp cách ly theo yêu cầu từ ngày 1/10 tới. Bộ trưởng Y tế Niedenthal nói: “Với tư cách là một quốc gia, chúng tôi đã chuyển từ trạng thái phòng dịch sang biện pháp giảm thiểu ca nhiễm, những tháng ngày cách ly đã kết thúc rồi”.

 
Hiệp Nguyễn (Theo ABCNews/The Guardian/RNZ)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn