Hoạt động tình dục đường âm đạo là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ
Quan hệ tình dục có thể cải thiện một số chức năng não bộ ở người cao tuổi
“Chuyện ấy” đem điều gì đến cho bạn?
Bệnh nào hay gặp khi quan hệ tình dục không an toàn?
Đâu là nguyên nhân khiến chị em đau khi làm "chuyện ấy"?
Hoạt động tình dục và nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ có mối liên hệ như thế nào?
Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài cơ thể theo đường tiểu.
Hoạt động tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ do cấu tạo bộ phận sinh dục nữ và bàng quang có vị trí khá gần nhau. Phần lớn các vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang sống ở ruột già, vùng da ở hậu môn, bộ phận sinh dục ngoài và chúng thường vô hại.
Tuy nhiên với phụ nữ, do âm đạo nằm ngay sau niệu đạo, cộng với đường niệu đạo của phụ nữ rất ngắn (khoảng 3 – 6cm), khi quan hệ tình dục, dương vật của nam giới có thể đẩy vi khuẩn từ âm đạo di chuyển lên niệu đạo, vào bàng quang một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nguy cơ nhiễm trùng bàng quang tăng lên theo tần suất hoạt động tình dục
Nguy cơ nhiễm trùng bàng quang sẽ gia tăng theo số lần quan hệ tình dục. Nghiên cứu đánh giá các yếu tố nguy cơ viêm nhiễm bàng quang khi quan hệ tình dục của gần 800 phụ nữ khỏe mạnh từ 18 - 40 tuổi không mang thai cho thấy, nguy cơ nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ tiền mãn kinh tỷ lệ thuận với tần suất hoạt động tình dục hàng tuần. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra những phụ nữ có quan hệ tình dục 4 lần một tuần có nguy cơ bị viêm nhiễm bàng quang cao gấp 3,5 lần so với phụ nữ có quan hệ tình dục 1 lần một tuần.
Theo một nghiên cứu đánh giá khác về các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng bàng quang trong số hơn 1.800 phụ nữ mãn kinh từ 55 - 75 tuổi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những phụ nữ có quan hệ tình dục trên 1 lần mỗi tuần có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cao hơn so với những người có quan hệ tình dục 1 lần mỗi tuần hoặc không hoạt động tình dục.
Một số biện pháp phòng tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang
Một số biện pháp phòng tránh thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang. Cụ thể, sử dụng chất diệt tinh trùng để phòng tránh thai có thể làm gia tăng nguy cơ. Nghiên cứu được công bố năm 1996 trên Tạp chí Medicine xác định rõ ràng rằng, những phụ nữ sử dụng màng ngăn âm đạo chứa chất diệt tinh trùng có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cao hơn so với những phụ nữ không sử dụng.
Sử dụng bao cao su chứa chất diệt tinh trùng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cho phụ nữ
Những phụ nữ có bạn tình sử dụng bao cao su có chứa chất diệt tinh trùng cũng có nguy cơ cao viêm nhiễm bàng quang, kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Epidemiology. Chất diệt tinh trùng được cho là làm tăng nguy cơ nhiễm bàng quang bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng trên da của bộ phận sinh dục nữ.
Nguy cơ viêm nhiễm bàng quang tăng lên khi phụ nữ có bạn tình mới
Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Epidemiology tháng 6/2000, những phụ nữ trẻ sau khi bị nhiễm trùng bàng quang lần đầu tiên và đã khỏi khi quan hệ tình dục với một bạn tình mới trong thời gian nghiên cứu 6 tháng có nguy cơ cao bàng quang bị viêm nhiễm trở lại.
Trong một nghiên cứu thứ hai, được xuất bản vào tháng 10/2000 trên Tạp chí Infectious Disease cũng phát hiện ra điều tương tự: Những phụ nữ trẻ có bạn tình mới trong thời gian nghiên cứu có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang rất cao. Nguyên nhân được lý giải do người phụ nữ tiếp xúc với các vi khuẩn mới đến từ phía bạn tình.
Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng bàng quang trong hoạt động tình dục?
Không có cách phòng ngừa 100% nguy cơ nhiễm trùng bàng quang có liên quan đến hoạt động tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ có thể thực hiện một số biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ phát triển viêm nhiễm bàng quang liên quan đến hoạt động tình dục. Ví dụ, tránh sử dụng chất diệt tinh trùng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang, đặc biệt là ở những phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang tái phát.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng đi tiểu trước và sau khi giao hợp có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm bàng quang. Sử dụng một số thực phẩm, chẳng hạn như uống nước nam việt quất thường xuyên có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, mặc dù kết quả hiện nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn.
Liệu pháp kháng sinh là phương pháp duy nhất giúp điều trị triệu chứng nhiễm trùng bàng quang. Vì vậy, phụ nữ cần đi khám bác sỹ nếu phát triển các triệu chứng điển hình, bao gồm mót tiểu thường xuyên và đau khi đi tiểu. Các triệu chứng này thường phát triển trong vòng 24 - 48 giờ sau khi quan hệ tình dục, nếu quan hệ tình dục là yếu tố gây ra viêm nhiễm bàng quang.
Việc đánh giá và điều trị y tế nhanh chóng đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ mang thai hoặc mắc bệnh đái tháo đường. Sốt, ớn lạnh và đau lưng cũng làm tăng mức độ cấp bách của việc điều trị vì những dấu hiệu và triệu chứng này có thể cho biết vi khuẩn đang lây lan và gây viêm nhiễm sang thận.
Nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang một cách thường xuyên, bác sỹ có thể đề nghị xét nghiệm kiểm tra các dị tật ở đường tiểu, hệ thống sinh sản hoặc các vấn đề khác có thể góp phần gây ra nhiễm trùng bàng quang tái phát. Trong một số trường hợp, điều trị kháng sinh liều thấp kéo dài hoặc dùng kháng sinh sau khi quan hệ tình dục được khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang.
Bình luận của bạn