Mùi cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?

Một số bệnh tật có thể gây ra mùi cơ thể

Thực phẩm nào giúp giảm mồ hôi và cải thiện mùi cơ thể ngày Hè?

4 nguyên nhân gây mùi cho vùng da dưới cánh tay

8 loại mùi cơ thể bạn cảnh báo sức khỏe có vấn đề

Làm thế nào để thơm tho suốt ngày Hè?

Khi cơ thể tỏa ra mùi hương mà người khác có thể cảm thấy khó chịu, đó được gọi là mùi cơ thể. Mùi cơ thể thường xuất hiện ở chân, nách, bộ phận sinh dục, lông mu, lỗ rốn,  sau tai...

Bên cạnh thói quen vệ sinh chưa tốt thì một số tình trạng y tế và bệnh cũng có thể gây ra mùi cơ thể. Nếu gần đây bạn nhận thấy có sự thay đổi về mùi cơ thể nên nói chuyện với bác sỹ để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp điều trị phù hợp.

1. Thừa cân

Theo bác sỹ đa khoa người Anh Sophie Newton, khi bạn bị thừa cân hoặc béo phì sẽ có nhiều khả năng xuất hiện mùi cơ thể khó chịu. Bởi khi tăng thêm vài cân, các nếp gấp trên da (nơi sản sinh vi khuẩn gây mùi) có xu hướng nhiều hơn.

Béo phì đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Đây được xem là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh đái tháo đường, bệnh tim, ung thư và đột quỵ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người béo phì có khả năng phát hiện và phân biệt mùi kém hơn so với những người gầy. Vì vậy, với người béo phì sẽ khó nhận ra khi cơ thể họ có mùi khó chịu.

2. Bệnh đái tháo đường

 

Theo Mirror, tại Anh có khoảng 4,3 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Trong đó, ước tính hơn 850.000 người không biết rằng họ mắc bệnh.

Bác sỹ Sophie Newton cho biết, sự thay đổi về mùi cơ thể (như mùi trái cây) có thể cảnh báo tình trạng nhiễm toan ceton liên quan đến bệnh đái tháo đường. Theo Dịch vụ y tế Quốc gia Anh (National Health Service - NHS), nhiễm toan ceto do đái tháo đường là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin.

Insulin là một loại hormone thiết yếu giúp cơ thể biến thức ăn thành năng lượng và kiểm soát lượng đường trong máu. Những người mắc bệnh đái tháo đường thường không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Nếu bạn bị nhiễm toan ceto do đái tháo đường, cơ thể không thể sử dụng đường để tạo năng lượng nên bắt đầu sử dụng chất béo để thay thế.

Ketone là một lớp hợp chất hữu cơ được tạo ra khi cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Khi ở mức độ cao ketone có thể khiến máu ở trong cơ thể có tính acid và cơ thể bạn có mùi ngọt.

3. Bệnh suy thận

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health), suy thận là khi chức năng của cơ quan này giảm xuống dưới 15% so với bình thường.

Vai trò của thận là giúp lọc các chất độc. Nếu thận không thể thực hiện đúng công việc của mình, những chất độc này bắt đầu tích tụ trong cơ thể và tạo ra mùi. Trong trường hợp suy thận, urê không thể được đào thải ra ngoài và bài tiết qua đường mồ hôi và gây nặng mùi. Bác sĩ Sophie Newton cho biết, người suy thận có thể xuất hiện mùi cơ thể giống như amoniac (khí không màu, có mùi hăng khai).

4. Bệnh gan

Bệnh gan có thể khiến hơi thở có mùi mốc, mùi tỏi và mùi trứng thối. Giống như thận, gan là một cơ quan khác có chức năng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Nếu các chất thải không thể được loại bỏ, chúng sẽ gây ra sự tích tụ làm thay đổi độ đặc của mồ hôi.

Bệnh viện Cleveland Clinic (một trong những bệnh viện lớn tại Mỹ) cho biết, theo thời gian bệnh gan có thể gây ra xơ gan (sẹo). Khi ngày càng nhiều mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh, cơ quan này khó hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh gan có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan.

Lê Tuyết (Theo Mirror)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp