Mùi cơ thể có thể “tố cáo” rằng bạn đang gặp vấn đề sức khỏe
Nước tiểu có mùi hôi nặng: Nếu phụ nữ có vùng âm đạo và nước tiểu bốc ra mùi hôi nặng, tanh và chua thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia. Ngoài ra, nước tiểu cũng có mùi hôi nồng cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hơi thở có mùi trái cây: Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, đây là một dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Bởi khi cơ thể người bệnh không thể sản xuất đủ năng lượng để hoạt động, nó sẽ bắt đầu phân hủy acid béo thành nhiên liệu, tạo ra tình trạng tích tụ ketone - một hóa chất có vị chua trong máu khiến hơi thở có mùi trái cây.
Hôi miệng: Đây là một triệu chứng của chứng trào ngược acid dạ dày thực quản, xảy ra khi acid trong bao tử chảy ngược lên thực quản khiến hơi thở có mùi khó chịu và tạo ra cảm giác nóng rát ở vùng ngực.
Mùi hôi từ mũi: Điều này có thể xảy ra khi bạn gặp phải một số vấn đề sức khỏe như polyp mũi (các khối u lành tính xuất hiện trong hốc mũi), hội chứng chảy dịch mũi sau, các vấn đề răng miệng và bị nhiễm trùng xoang nghiêm trọng.
Bàn chân có mùi: Mùi hôi ở bàn chân là dấu hiệu của tình trạng nhiễm nấm, gây mẩn đỏ, phồng rộp, nóng rát, ngứa, khô và bong vảy quanh ngón chân hoặc trên bàn chân. Hôi chân cũng xảy ra khi bạn giữ gìn vệ sinh chân kém.
Mồ hôi có mùi khó chịu: Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn tiêu thụ một số loại thực phẩm giàu lưu huỳnh như tỏi, hành tây và các loại rau họ cải. Việc bị căng thẳng tinh thần (stress) quá mức cũng dễ khiến mồ hôi có mùi thối, vì khi bị stress, tuyến apocrine tiết ra chất dịch màu trắng hòa với vi khuẩn trên da tạo ra mùi hôi.
Phân quá nặng mùi: Nếu phân của bạn quá hôi thối và bạn “xì hơi” thường xuyên hơn, thì nguyên nhân có thể là do bạn mắc chứng không dung nạp đường lactose trong sữa động vật.
Lỗ tai hôi bất thường: Tình trạng tích tụ ráy tai, mọc các túi nang hoặc nhiễm trùng bên trong tai dễ sinh ra mùi hôi ở lỗ tai. Vì vậy, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân gây hôi tai và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị kịp thời.