Giao thừa năm Nhâm Dần sẽ vắng những màn pháo hoa rực rỡ
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc xuyên Tết bắt đầu từ 29/1
ĐT Việt Nam sự thay đổi mới chỉ ở hình thức
Xông nhà, chúc Tết sớm mai
Chế biến món ăn ngày Tết: Rã đông thịt sao cho an toàn?
Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức đón Tết cổ truyền Nhâm Dần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm đã được chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước (cấp có thẩm quyền trong việc quyết định địa phương có bắn pháo hoa hay không) cũng như nhân dân hưởng ứng tích cực.
Quyết định không bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa năm nay có cái đạo lý của nó. Trước hết, đó là nhằm triệt để phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K trong khi diễn biến của dịch bệnh vẫn còn phức tạp, để cả nước đón xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Bên cạnh cái lý ấy, còn hàm chứa cả đạo nghĩa. Đó là thể hiện sự tôn trọng đối với đồng bào, đồng chí chúng ta đã bị con virus Corona với những biến thể chết chóc cướp đi sinh mạng trong năm qua. Đó là việc để có thêm nguồn lực vật chất chăm lo an sinh cho các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo… trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đầy tính nhân văn.
Chúng ta vừa trải qua một năm con trâu thật vất vả. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là một năm chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong nước phải chống đỡ với những khó khăn khi những ca nhiễm mới có tốc độ lây lan nhanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, chưa bền vững; lạm phát tăng nhanh; thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng, cũng như bao lần khác trong lịch sử, đứng trước tình thế hiểm nghèo, thì tinh thần Việt Nam lại bừng lên. Như lời Tổng Bí thư, “vào những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc ta lại càng được phát huy mạnh mẽ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước”. Nhờ đó mà chúng ta vẫn đạt được những thành quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật nhất là đã ứng phó kiểm soát dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn. Đến nay, đã thực hiện thành công chiến lược vaccine bằng một cuộc chạy nước rút "đi sau, về trước", với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Hướng về năm con Hổ, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với kẻ thù vô hình - COVID-19. “ Kẻ thù vô hình” mới là thứ nguy hiểm. Song chúng ta đã có những bài học quý báu từ năm con Trâu và cả từ năm con Chuột trước đó để trang bị cho mình thứ vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến đấu với “” Kẻ thù vô hình”. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích thì sau hai năm phòng chống dịch, chúng ta đã sơ kết, đúc rút được các bài học, tham khảo kinh nghiệm thế giới, dần hoàn thiện lý thuyết, phòng chống dịch, bình tĩnh, tự tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Định hướng cho năm mới, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện "đa mục tiêu", trong đó, mục tiêu y tế là giảm tối đa tử vong, giảm ca chuyển nặng, bảo vệ tối đa tính mạng, sức khỏe người dân, không để bị động, lúng túng, bất ngờ nếu xuất hiện các biến thể mới. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022 theo tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa". Còn nhớ, chúng ta, với tinh thần ấy, đã từng chiến thắng trong chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước và xa hơn nữa trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789, viết nên một trang sử oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được thể hiện ngay trong phát biểu của ông trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần ( ngày 27/1/2022): "Nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, đủ vaccine mà tiêm không đạt mục tiêu tiêm chủng thì Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương phải chịu trách nhiệm". Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân 2022 sẽ diễn ra từ ngày 29/1 đến hết ngày 28/2/ 2022.
Chính phủ cũng dự báo tình hình năm 2022 còn nhiều thách thức, khó lường, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút, nếu không kiểm soát dịch bệnh cơ bản sẽ tác động đến phục hồi, tăng trưởng, rủi ro lạm phát gia tăng... đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trong văn hóa của người Việt chúng ta cũng như người Á Đông nói chung, Hổ là loài vật tượng trưng cho sự dũng mãnh, kiên cường, hiên ngang. Hổ được xưng tụng là chúa sơn lâm. Hình tượng chúa sơn lâm được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật thường ở tư thế dũng mãnh vươn lên. Lần giở lại những trang sử nước nhà thì những năm Nhâm Dần từng diễn ra những sự kiện mang tính canh tân. Năm Nhâm Dần 1002, Vua Lê Đại Hành thực hiện hàng loạt các biện pháp chấn chỉnh và cải cách chính trị - hành chính. Năm Nhâm Dần 1242, dưới triều đại Nhà Trần, hàng loạt cuộc cải cách hành chính quy mô lớn được tiến hành như chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, tổ chức lại hệ thống quan lại địa phương, làm sổ hộ khẩu… Năm Nhâm Dần 1782, cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn lớn mạnh, giành thế chủ động trong cả nước.
Với khí thế vươn lên như mạnh mẽ của năm Nhâm Dần 2022, chúng ta tin tưởng đất nước ta sẽ đạt được “đa mục tiêu" mà Chính phủ đã đề ra: Thích ứng với dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế… Quan tâm hơn nữa phát triển văn hoá, hài hoà với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh, chăm lo người khó khăn, người có công với cách mạng”.
Tiễn Trâu, đón Hổ. Chào Xuân Nhâm Dần, cầu chúc Việt Nam chúng ta sẽ chiến thắng “Kẻ thù vô hình” để nhà nhà, người người bình an chung sức đồng lòng dựng xây đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện của Bác Hồ!
Bình luận của bạn